Sáng tạo kịch bản – chìa khóa vàng giúp Spotlight lập “cú đúp” tại Oscars 2016 - Comic Media Academy

Sáng tạo kịch bản – chìa khóa vàng giúp Spotlight lập “cú đúp” tại Oscars 2016

01/04/2016

hình 1

Tại sao Oscars được xem là “sàn đấu” danh giá nhất thế giới? Bởi nó là nơi ghi nhận và vinh danh các nghệ sĩ, nhà biên kịch đẳng cấp, các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao do sự tinh lọc và tuyển chọn từ các thành viên hội đồng thẩm định nghệ thuật “khó nhằn” nhất trong làng giải trí điện ảnh.

Các tác phẩm được đề cử mỗi năm, đều là những bộ phim thuộc “top bom tấn”, được chăm chút tỉ mỉ không chỉ từng khung hình, thước quay, mà là sự đòi hỏi gắt gao về từng cử chỉ, đường nét trong diễn xuất. Bí quyết nào đã mang đến tượng vàng cho tác phẩm chiến thắng?

Năm 2016, tại lễ trao giải Oscars lần thứ 88, được xướng tên với hai hạng mục “Phim xuất sắc nhất” và “Kịch bản gốc hay nhất” – Spotlight là minh chứng cho sự thành công tột đỉnh từ việc“khai quật” và “gọt đẽo” một kịch bản mang vấn đề thời sự do hai nhà làm phim Tom McCarthy và Josh Singer thực hiện.

Hãy khám phá “chìa khóa” thành công trong kịch bản của “người hùng” Spotlight để cùng thấy được điều đó.

Áp dụng quy tắc “bình cũ rượu mới” trong lựa chọn đề tài

Hình 2 - CMA-Trang-bia-nhat-bao-Boston-Globe

Trang bìa nhật báo Boston Globe ngày nhóm Spotlight công bố bê bối của các linh mục tại Boston, nguồn hollywoodreporter.com

Những thước phim về “nghề báo” là một đề tài khá quen thuộc với người xem. Câu chuyện về một tờ nhật báo địa phương đang có nguy cơ “đóng cửa” vốn chẳng có gì là “sốt dẻo” cho đến khi tờ nhật báo Boston Globe này tiến hành cho đăng tải hàng loạt bài viết (tháng 1/2002) của nhóm nhà báo Spotlight phanh phui những bê bối ấu dâm kéo dài suốt 34 năm trong hệ thống nhà thờ tại Boston. Series phóng sự gây chấn động toàn nước Mỹ đã đưa ra ánh sáng tội ác của 249 linh mục – những người đã lạm dụng và ghi lại những vết nhơ tội lỗi trong tâm lý của hàng trăm trẻ em trong hơn ba thập kỷ. Thời gian đó, Spotlight trở thành “tiêu điểm” thông tin của toàn xã hội. Thậm chí loạt bài viết trên còn mang về cho nhóm tác giả giải thưởng Pulitzer danh giá.

Câu hỏi đặt ra là, điều gì khiến bộ phim Spotlight có thể thu hút khán giả khi tất cả các thông tin về vụ bê bối đã “nhẵn mặt” trên tất cả các kênh truyền thông?

Đúng vậy, ai cũng có thể đọc vanh vách những số liệu thống kê về nạn nhân, thậm chí thuộc lòng những câu chuyện lạm dụng đầy cay đắng,nhưng chỉ riêng đạo diễn Tom McCarthy mới có thể “khắc họa” bức tranh chân thật toàn cảnh của cuộc chiến giữa công lý và lề lối xã hội.

Làm thế nào để “tầm vóc” của một nhóm phóng viên ở một tờ báo địa phương, có thể vạch trần những “sự thật cấm kỵ” về các linh mục trong cộng đồng có hơn 52% dân số theo công giáo? Đó mới là điểm chinh phục người xem. Khán giả không cần một bộ phim “kể” lại tất cả những gì họ đã đọc, đã nghe qua.

Họ cần một câu chuyện hình ảnh để thấu hiểuvà cảm nhận một sự thật nhơ nhớp đằng sau cái vẻ tinh anh và cao thượng. Và Spotlight đã hoàn thành một cách xuất sắc vai trò đó.

Những yếu tố trên cho thấy, lựa chọn đề tài để khai thác là bước khởi đầu vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất phim.

Thể hiện câu chuyện điện ảnh bằng một kịch bản xuất sắc

Hình 3 - CMA-Michael-Sugar

Nhà sản xuất Michael Sugar (giữa) phát biểu nhận giải.
(Nguồn: Hollywoodreporter.com)

Trong lời cảm ơn nhận giải, nhà sản xuất Michael Sugar nói rằng“Bộ phim Spotlight là tiếng nói cho những người bị xâm hại. Giải Oscar này khuếch đại tiếng nói ấy…Thưa Đức Giáo hoàng Phanxicô, bây giờ là lúc bảo vệ trẻ em và phục hồi đức tin”

Có thể nhận thấy, Spotlight là bộ phim nặng về câu chuyện nhất so với 8 phim tranh giải Oscar năm nay. Với sứ mệnh tái hiện một sự kiện lớn khiến hệ thống nhà thờ công giáo La Mã gặp khủng hoảng trầm trọng. Điều đó đòi hỏi đội ngũ biên kịch vừa phải đảm bảo tính hấp dẫn, gai góc của một vấn đề thời sự, đồng thời vẫn giữ được sự tinh tế, trau chuốt cho những yếu tố nghệ thuật đặc trưng của điện ảnh. Cùng với đó là sự đan cài các tình tiết mang tính nhân văn và tầm quan trọng với cộng đồng.

Hơn thế nữa, chủ đề bộ phim thuộc lĩnh vực khá nhạy cảm, nó trở thành “gánh nặng” cho biên kịch, họ sẽ phải trả lời câu hỏi “làm thế nào để gọt giũa những phần “thô ráp” trở thành phần “sáng” nhất của bộ phim?”

Hình 4 - CMA-Spotlight

 Một cảnh trong Spotlight

Spotlight không có những pha hành động mạo hiểm, những cảnh rượt đuổi ép tim. Nhưng nó lại ám ảnh người xem bằng những bài báo chân thật đến chua chát. Tưởng chừng các nhà làm phim sẽ phải kỳ công để xử lý những cảnh “ấu dâm” nhưng chỉ với những số liệu, những câu chuyện của các nạn nhân được thuật lại đủ sức làm “rợn gai óc” người xem. Spotlight mang lại cho mọi người cảm giác, nạn ấu dâm có ở khắp nơi, nó cư ngụ ngay bên cạnh nhà bạn, thậm chí ngay bên cạnh con bạn.

Sự phẫn nộ, đau xót của các phóng viên, sự cay đắng, ê chề của nạn nhân cùng thái độ thách thức, vô cảm của những kẻ chuyên quyền khiến cho “Spotlight” trở thành tác phẩm nghệ thuật khó cưỡng. Giới phê bình còn nhận xét, đây là một tác phẩm toàn diện về cả mặt nội dung lẫn kỹ thuật của điện ảnh Hollywood trong năm 2016.

Tô đậm nội dung, khiến bộ phim đi sâu vào lòng khán giả

hình 5

Trong Spotlight, dù nhân vật đó có nổi bật đi nữa thì họ cũng không phải là nhân tố hạt nhân ảnh hưởng đến cả bộ phim. Bởi, mỗi một nhân vật đều là đại diện của một giai cấp, một tổ chức người thậm chí là đại diện cho công lý,cho tội lỗi còn tồn tại trong xã hội. Và đây chính là điểm khác biệt nổi bật nhất khi so sánh Spotlight và các tác phẩm điện ảnh khác.

The Revenant, đối thủ nặng ký nhất của Spotlight ở hạng mục Phim hay nhất Oscars 2016, bộ phim gây choáng ngợp thị giác với những hình ảnh đặc sắc và hậu trường gian nan. Tuy nhiên nội dung của nó vẫn chỉ là câu chuyện truyền miệng về hành trình lặn lội từ rừng sâu trở về thị trấn để trả thù của một thợ săn người Mỹ hồi đầu thế kỷ 19.Với một đề tài giả tưởng, xa xôi, ngoài việc thiếu tính thời sự thì The Revenant vẫn “nhẹ cân” hơn đối thủ Spotlight nếu xét về độảnh hưởng và giá trị nhân văn động lại trong lòng người xem. 

Bên cạnh những yếu tố độc đáo của kịch bản, chúng ta không thể không nhắc đến diễn xuất tuyệt vời và cực kỳ ăn ý của dàn diễn viên kỳ cựu như: Michael Keaton, Mark Ruffalo, Racheo McAdams, John Slattery và Brian d’Arcy Jame… những người đã tạo cho “món ăn Spotlight” hương vị độc đáo, chân thật chưa từng có.

Những yếu tố trên đã cho thấy, xây dựng kịch bản là một trong những khâu quan trọnglàm nên thành công của một bộ phim nói riêng và một tác phẩm nghệ thuật nói chung. Và việc lựa chọn đề tài, phương thức thể hiện sao cho “trọn vẹn” đòi hỏi biên kịch phải biết cách khai thác, xây dựng và sáng tạo kịch bản.

Hình 6 - nghe-thuat-viet-kich-ban-sang-tao

Nghe có vẻ khó khăn phải không nào? Nhưng đừng vội từ chối ánh hào quang của thành công bạn nhé. Chỉ cần có đủ đam mê và quyết tâm bạn sẽ người kế tiếp tỏa sáng với tài năng của riêng bạn. Hãy để chúng tôi -Viện Truyện tranh và Hoạt hình – đồng hành cùng bạn trong bước đường tương lai.

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

Comic Media Academy | Viện Truyện tranh và Hoạt hình

Cơ sở 1: Lầu 6 – 7, số 98 Ngô Tất Tố, P.19, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Cơ sở 2: 147 Pasteur, P.6 Q.3, TP.HCM

Điện thoại: (08) 3514 4365 – 0902 738 806
Email: daotao@cmavn.org – Website: www.cmavn.org
Fanpage: www.facebook.com/cmavn.org