Nghề biên kịch: Lấy ngắn nuôi dài để có những bước đi dài hơn - Comic Media Academy

Nghề biên kịch: Lấy ngắn nuôi dài để có những bước đi dài hơn

03/10/2016

Đó là những chia sẻ của Đạo diễn Văn Công Viễn về kinh nghiệm của anh trong quá trình làm nghề từ những bước đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại.

talkshow-doi-thoai-giua-bien-kich-va-dao-dien

Sáng 02/10, talkshow Đối thoại giữa Biên kịch và Đạo diễn do Viện Truyện tranh và Hoạt hình tổ chức  tại SHUB – Thư viện khoa học tổng hợp TPHCM.

Talkshow có sự tham gia của Đạo diễn Văn Công Viễn cùng biên kịch Ngô Hạnhbiên kịch Đặng Nhã. Các vị khách mời đã mang đến talkshow những câu chuyện thực tế, những kinh nghiệm từng trải cũng như những bí quyết hành nghề của bản thân.

bien-kich-dang-nha

Ở mảng gameshow và truyện tranh, biên kịch Đặng Nhã cho biết: Khi sản xuất một gameshow, biên tập, biên kịch sẽ tham gia từ quá trình xây dựng ý tưởng, làm format, lên danh sách người chơi, viết kịch bản cho đến đi quay và dựng hình. Người viết kịch bản gameshow phải tạo ra được những tình huống hay để người chơi bộc lộ được tài năng và cá tính nhiều nhất. Bên cạnh đó, biên kịch Đặng Nhã còn chia sẻ thêm những kinh nghiệm của một biên tập, biên kịch ở trường quay. Biên kịch, biên tập khi ra trường quay ngoài việc theo dõi nội dung còn phải chú ý đến trang phục và hoá trang của người chơi, nhằm khai thác được triệt để nội dung và tránh phản cảm khi lên sóng. Ngoài mảng gameshow, biên kịch Đặng Nhã còn có những chia sẻ thú vị về viết kịch bản truyện tranh. Để viết một kịch bản hay, việc đầu tiên biên kịch cần làm chính là phải xác định được đối tượng độc giả mà mình muốn hướng đến, viết những gì mà họ muốn xem nhưng không thể đoán trước được. Và quan trọng nhất là khi xây dựng tình huống, nút thắt, nút mở hoặc gài bẫy, mở bẫy phải dựa trên việc nắm bắt cảm xúc, tâm lý của người xem. Một cốt truyện bất ngờ, kịch tính và thú vị luôn giữ chân được độc giả. Ngoài ra, để nội dung phong phú, biên kịch có thể tìm thêm ý tưởng từ sách báo và từ những phản hồi của dư luận về các vấn đề của xã hội

Về kịch bản phim truyền hình, điện ảnh, đạo diễn Văn Công Viễn và biên kịch Ngô Hạnh đều cho rằng, trước khi bắt tay thực hiện một kịch bản phim, người viết cần phải nắm vững công thức viết các thể loại kịch bản: sitcom, điện ảnh, truyền hình,… Bởi biên kịch khác với một nhà văn. Nhà văn sẽ kể câu chuyện trên giấy theo những cảm xúc, câu chữ của bản thân. Còn biên kịch phải kể chuyện bằng hình ảnh, phải biết cách sắp xếp những tình huống sẽ xảy ra trong kịch bản cũng như những câu thoại hợp lý. Vì vậy, việc tham gia những khóa học về biên kịch là rất cần thiết đối với những bạn yêu thích nghề biên kịch

Ngoài vai trò đạo diễn, Văn Công Viễn còn là một biên kịch tài giỏi. Anh cho biết “Để nuôi ước mơ làm kịch bản phim, bạn cần phải biết cách lấy ngắn nuôi dài để có những bước đi dài hơn. Bạn hãy bước từng bước một, làm những công việc liên quan đến nghề như viết kịch bản gameshow để tìm kinh phí cho kịch bản sau này của mình”. Bên cạnh đó, đạo diễn Văn Công Viễn còn tiết lộ “Khi đọc một kịch bản, người đạo diễn có thể biết được biên kịch đó đã từng trải nghiệm qua câu chuyện, vấn đề được đề cập trong kịch bản hay chưa?” Vì vậy, lời khuyên chính là bạn nên viết thật nhiều, đi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều, cần có quá trình góp nhặt, có kế hoạch để rèn luyện, va chạm thực tế để có nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

dao-dien-van-cong-vien

Nhắc đến, mối quan hệ giữa đạo diễn và biên kịch, các khách mời đều cho rằng, mâu thuẫn trong công việc đều có thể xảy ra nhưng nhìn chung tất cả đều vì mục tiêu cuối cùng là tác phẩm mà cả ekip làm ra. Đạo diễn Văn Công Viễn cho rằng, khi hợp tác chung trong một tác phẩm, biên kịch và đạo diễn đều phải cùng có tình cảm với kịch bản đó. Có như vậy, tác phẩm làm ra mới có thể chạm vào trái tim của mọi người. Do đó, cần phải biết lắng nghe ý kiến và tổng hợp để làm cho bộ phim hoàn thiện hơn. Còn biên kịch Ngô Hạnh thì có những chia sẻ “Sau khi bộ phim được công chiếu, đạo diễn thường là người được nhắc đến nhiều hơn. Vì vậy, chắc chắn người biên kịch sẽ cảm thấy có chút buồn. Nhưng, chúng ta cần phải biết rằng, bộ phim thành công không chỉ nhờ vào biên kịch hay đạo diễn mà là sự đóng góp của cả ekip. Còn có rất nhiều người không được đề tên trên poster nhưng chúng ta cũng cần phải ghi nhận vai trò của họ”.

bien-kich-ngo-hanh

Talkshow chắc chắn đã mang đến rất nhiều thông tin cũng như kinh nghiệm bổ ích cho các bạn yêu thích nghề biên kịch. Từ đây, các bạn đã có định hướng chắc chắn cho con đường của mình trong tương lai. 

Hiền Đặng