Các loại kịch bản phổ biến hiện nay - Comic Media Academy

Các loại kịch bản phổ biến hiện nay

04/04/2016

Tất cả các sản phẩm nghệ thuật được dàn dựng đều cần đến kịch bản. Đó là lí do vì sao việc nắm vững các thể loại kịch bản “nền” sẽ giúp nhà biên kịch linh hoạt hơn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

CMAVN-lop-nghe-thuat-sang-tao-kich-ban

Lớp Nghệ thuật sáng tạo kịch bản của Viện Truyện tranh và Hoạt hình 

Kịch bản là gì?

Kịch bản trước hết là vạch ra đề cương tác phẩm. Thứ hai, kịch bản đóng vai trò như một yếu tố liên hệ giữa những cá nhân có liên quan đến công việc, liên hệ giữa yếu tố kỹ thuật – nghệ thuật, thống nhất hành động, các phương tiện biểu hiện ăn khớp bổ trợ cho nhau tạo nên một chỉnh thể. Người biên kịch cần nắm vững cách viết kịch bản để bắt đầu cho một tác phẩm hoàn hảo.

Kịch bản là một vở kịch, một bộ phim, một chương trình được phác thảo, mô hình hoá, trên văn bản với tư cách là một đề cương, hay chi tiết đến từng chi tiết nhỏ (tuỳ theo yêu cầu của mỗi loại hình), là cơ sở chính cho “tập thể tác giả” hoàn thiện tác phẩm của mình.

Cùng điểm qua một số kịch bản thịnh hành và phổ biến nhất hiện nay:

1. Kịch bản phim truyền hình

Phim truyền hình là thể loại phim được sản xuất và dùng để phát sóng trên hệ thống truyền hình. Phim truyền hình được sản xuất với chuẩn phim riêng và nó phụ thuộc vào hệ thống truyền hình của từng quốc gia mà có những định dạng khung hình khác nhau.

Đây là thể loại kịch bản được phát sóng trên màn ảnh nhỏ nhiều ngày liên tiếp. Kịch bản phim truyền hình là tập hợp nhiều kịch bản nhỏ được liên kết chặt chẽ với nhau xoay quanh một chủ đề chính.

Đôi khi một bộ phim đã lên sóng nhưng có thể nhà biên kịch vẫn chưa viết đoạn kết cho kịch bản của mình. Những yếu tố trong bộ phim có thể được nhà biên kịch thay đổi phần lớn vào những tập tiếp theo chưa phát sóng.

2.Kịch bản phim điện ảnh

CMAVN-Mot-so-poster-phim-dien-anh

Một số poster phim điện ảnh  

Phim điện ảnh là những bộ phim khi được sản xuất ra sẽ được chiếu tại rạp hay được phát dưới dạng DVD. Các phim điện ảnh cũng có thể là một phần hoặc nhiều phần.

Kịch bản điện ảnh này được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định (thường là từ 90- 120 phút). Đôi khi nó là sự sáng tạo hoàn toàn của nhà biên kịch nhưng cũng có khi nó là tác phẩm được chuyển thể từ một tiểu thuyết, truyện ngắn của một nhà văn nào đó. Kịch bản điện ảnh được thể hiện thành thể loại phim nhựa và công chiếu ở các rạp chiếu phim với màn ảnh rộng.

Cấu trúc kịch bản thường phải đảm bảo tính chất tuyến tính ba hồi.

Hồi 1: Giới thiệu với khán giả tất cả những yếu tố cấu thành nên truyện, các câu chuyện chủ chốt, bối cảnh, đặc điểm chung, tình cảm, hoàn cảnh,…

Hồi 2: Sẽ xuất hiện những xung đột, theo mức độ tăng dần. Đây là hồi quan trọng nhất và khó xây dựng nhất trong kịch bản. Kết thúc hồi thứ 2, người biên kịch thường đặt nhân vật vào tình huống “thê thảm nhất”

Hồi 3: Biên kịch cần giải quyết các xung đột, vấn đề đã xuất hiện từ trước một cách triệt để. Đây cũng là hồi cuối cùng của kịch bản.

Ngày nay, các đạo diễn làm phim không còn ưu chuộng mô hình ba hồi truyền thống, họ có nhiều lựa chọn khác như: đa cốt truyện (một câu chuyện tập thể có nhiều nhân vật, mỗi nhân vật đều có một câu chuyện riêng); cấu trúc hai hồi (xung đột bắt đầu ở hồi 1 sau đó lên đến đỉnh điểm ở hồi 2);…

3. Kịch bản phim ngắn

CMAVN-Phim-ngan-the-loai-dang-thu-hut-su-chu-y-hien-nay

Phim ngắn – thể loại đang thu hút sự chú ý hiện nay

Các phim ngắn có độ dài từ 5–30 phút, đây cũng là thể loại được ưu chuộng thời gian gần đây nhất là đối với các nhà biên kịch, làm phim trẻ khởi nghiệp.

Kỹ năng viết kịch bản phim ngắn rất khác so với kịch bản của các thể loại phim khác. Bởi lẽ, phim ngắn không phải là môt câu chuyện dài bị nén lại để vừa với khung thời gian, cũng không phải là một ý tưởng cố tình bị kéo dãn ra, càng không phải là một đoạn quảng cáo cho một phim nhựa trong tương lai.  

Khi viết một kịch bản phim, bạn chỉ có khoảng 15 trang. Việc cân nhắc về hình thức và cách thể hiện nội dung kịch bản là điều cực kỳ quan trọng. Tính chất của phim ngắn thường đi thẳng vào cuộc sống và thế giới của nhân vật trung tâm ngay lập tức; đưa ra những xung đột ngay từ những tình tiết đầu tiên, sau đó kịch tính hóa trở thành đỉnh điểm của phim. Từ những diễn biến trong phim, khán giả sẽ có những cách hiểu riêng về tính cách, hoàn cảnh,… của nhân vật.   

4. Kịch bản phim quảng cáo

Kịch bản phim quảng cáo là thể loại kịch bản ngắn nhất hiện nay (thường dưới 1 phút), được chiếu lặp đi lặp lại trên các sóng truyền hình nhằm giới thiệu cho một sản phẩm nhất định nào đó.

Kịch bản phim quảng cáo thường có kết cấu nhanh, ngôn từ cô đọng, súc tích, là sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, ngôn từ và hình ảnh.

5. Kịch bản phim hoạt hình

CMAVN-Phim-hoat-hinh-VietNam-Duoi-bong-cay

Phim hoạt hình Việt Nam – Dưới bóng cây

Hoạt hình là quá trình tạo ra chuyển động và thay đổi hình dạng bằng cách hiển thị nhanh chóng một chuỗi các hình ảnh tĩnh khác nhau. Những hình ảnh được hiển thị trong một khoảng khắc nhanh chóng, thường là 24,25,30, hoặc 60 khung hình mỗi giây.

Bạn cần phải hiểu rằng, xây dựng kịch bản chính là “thiết kế” một loạt bản vẽ thô của một câu chuyện. Trước tiên, bạn cần phải có một ý tưởng về một câu chuyện. Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất. Cốt truyện là nhân tố quyết định sự thành bại của phim, hãy dành thời gian để chăm sóc và hoàn thiện nó.

Sau khi hình thành ý tưởng, storyboard sẽ là “kim chỉ nam” phát triển cốt truyện. Storyboard là tập hợp các bản vẽ dưới dạng một bộ truyện tranh. Storyboard thể hiện hầu hết các chi tiết sẽ có trong “trường quay” phim sau này. Các ghi chú về hình ảnh, kỹ thuật, khung hình,…đều có mặt trong storyboard

CMAVN-mau-Storyboard

Mẫu Storyboard 

Sau khi hoàn thiện storyboard chúng được gởi đến các bộ phận chuyên môn khác, ở đây sẽ tiến hành tạo hình nhân vật, thiết kế trang phục, xây dựng bối cảnh.

6. Kịch bản phim tài liệu

Kịch bản phim tài liệu gần giống như dạng ký sự. Kịch bản này dựa trên những câu chuyện, hình ảnh có thật của cuộc sống.

Nhà biên kịch là người đưa những sắc màu cuộc sống ấy lên màn ảnh mà vẫn giữ trọn vẹn tính thẩm mỹ và cảm xúc của nó.

7. Kịch bản truyện tranh:

CMAVN-Tao-hinh-cac-nhan-vat-hoc-sinh-chan-kinh

Tạo hình các nhân vật Học sinh chân kinh     

Truyện tranh, hay tranh truyện là những câu chuyện đã xảy ra trong cuộc sống hay những chuyện tưởng tượng ra được thể hiện qua những bức tranh có hoặc không kèm lời thoại hay các từ ngữ, câu văn kể chuyện.

Kịch bản là yếu tố quan trọng nhất trong việc xuất bản truyện tranh, quyết định thành công hay thất bại là do nó. Vì vậy, để cuốn truyện tranh của bạn được người đọc chấp nhận, bạn cần phải có một kịch bản hay và hấp dẫn.

Dựa vào kịch bản, bạn sẽ tiến hành tạo nhân vật và vẽ theo từng phân cảnh. Mỗi trang, bạn có thể phân chia làm hai phần, phần gợi ý họa sĩ vẽ và phần ghi lời thoại hoặc lời dẫn truyện, độ dài ngắn tùy theo cốt truyện và số trang tương ứng.

Hai dòng truyện tranh ảnh hưởng lớn tới mọi dòng truyện tranh hiện nay là truyện tranh Nhật Bản (manga) và truyện tranh Âu – Mỹ (comic). Bên cạnh manga và comic, manhwa (truyện tranh Hàn Quốc) và manhua (truyện tranh Trung Quốc) cũng ngày càng phát triển và dần tạo ra vị trí riêng của mình.

8. Kịch bản game

CMAVN-attack-on-titan

PC Game Attack on Titan đang thu hút sự chú ý của cộng đồng game thủ

Kịch bản cho một trò chơi cũng tương tự kịch bản cho một bộ phim. Ý tưởng về cốt truyện vẫn là thứ bạn phải đầu tư ngay từ đầu. Sau đó hãy xây dựng bản flowchart bằng cách phát triển tất cả nội dung bạn muốn bằng từ ngữ.

CMAVN-mau-flowchart

Mẫu Flowchart

CMAVN-Final Fantasy flowchart

Bản Flowchart của trò chơi đình đám Final Fantasy

Ba điều cần chú ý trong việc xây dựng kịch bản trò chơi mà bạn cần chú ý

– Hãy miêu tả bối cảnh một cách chi tiết nhất có thể, đừng mô tả một cách mơ hồ. Hãy đặt mình vào vị trí người chơi.

– Ghi chú tất cả các chi tiết bổ trợ mà bạn mong muốn: nhạc nền như thế nào, bắt đầu phát từ đâu, lời thoại dẫn thế nào…

– Điều gì xảy ra? Ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình của người chơi.

9. Kịch bản kịch nói

Các sân khấu kịch nói hiện nay đang có sự thiếu hụt những kịch bản kịch nói hay và chất lượng.

Kịch bản kịch nói thường ngắn gọn như kịch bản điện ảnh, là sự kết hợp tinh tế giữa nội dung và biểu cảm của diễn viên và được thể hiện trực tiếp trên sân khấu của các nhà hát lớn.

Khán giả sẽ được cảm nhận những cảm xúc chân thật nhất do diễn viên và kịch bản mang lại mà không phải thông qua bất kì loại máy móc công nghệ cao nào.

10. Kịch bản chương trình truyền hình

CMAVN-Su-xuat-hien-o-at-cua-chuong-trinh-truyen-hinh

Sự xuất hiện ồ ạt của chương trình truyền hình

Sự phát triển của các chương trình truyền hình hiện nay là môi trường tốt nhất để các kịch bản chương trình truyền hình phát triển.

Kịch bản chương trình truyền hình yêu cầu sự thay đổi linh hoạt để vừa phù hợp với từng đối tượng nhất định vừa giữ đúng mô-típ do nhà sản xuất đề ra. Những yếu tố cao trào được thêm vào và biến đổi cho chân thực nhất nhằm tạo sự tin tưởng cho khán giả.

11. Kịch bản sự kiện

CMAVN-Muon-xay-dung-thanh-cong-mot-kich-ban-su-kien-doi-hoi-nhieu-ky-nang-khac-nhau

Muốn xây dựng thành công một kịch bản sự kiện đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác nhau

Là một thể loại kịch bản mới được phát triển trong khoảng vài năm gần đây, kịch bản sự kiện được đánh giá là thể loại kịch bản khó nhất. Các sự kiện diễn ra không bao giờ đúng như những điều được thể hiện trên văn bản. Nhà biên kịch phải có khả năng dự đoán các tình huống có thể xảy ra làm biến đổi kịch bản của mình, đồng thời đưa ra hàng loạt những phương án thay thế và điều chỉnh thích hợp trong những tình huống xấu nhất.

Comic Media Academy tổng hợp