Biên kịch Đặng Nhã và cái duyên với nghề - Comic Media Academy

Biên kịch Đặng Nhã và cái duyên với nghề

11/11/2016

Biên kịch đang là một trong những nghề được nhiều bạn trẻ đam mê và theo đuổi. Không chỉ vì danh tiếng và vốn thu nhập hấp dẫn, nghề biên kịch còn đưa người làm nghề tiếp xúc với những câu chuyện khác nhau, gặp gỡ nhiều người ở mọi tầng lớp xã hội. Những lần tiếp xúc này sẽ mang đến cho họ ý tưởng thú vị cho kịch bản của mình.

Tuy nhiên, người ta thường nói “Nghề chọn người chứ người không chọn nghề”. Thật vậy, con đường đến với nghề bao giờ cũng lắm chông gai và thử thách. Khi đã có được những thành công nhất định trong nghề, người ta sẽ nhìn lại con đường đã từng trải qua và mỉm cười với thành quả của bản thân. Đặc biệt, lý do đến với nghề hay cơ duyên đưa họ vào nghề lại chính là điều khiến mỗi nhà biên kịch nhớ nhất.

>>> Có thể bạn quan tâm: Khóa học biên kịch phim điện ảnh 

biên kịch Đặng Nhã

Biên kịch Đặng Nhã

Hãy cùng xem cái duyên nào đã đưa biên kịch Đặng Nhã đến với nghề và những chia sẻ của cô về nghề như thế nào bạn nhé!

Đến với nghề biên kịch bằng sự tò mò

Vì học Đại học Sư Phạm nên tôi luôn nghĩ ra trường mình sẽ đi dạy. Trong một lần “lang thang” trên mạng, tôi thấy công ty Phan Thị tuyển dụng biên kịch. Lúc ấy, tôi không biết “mặt mũi” một cái kịch bản là như thế nào, nhưng vì biết Phan Thị là công ty sản xuất bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt nên tôi đã nộp đơn để thỏa lòng tò mò của mình: ““Nghía” xem công ty truyện tranh lớn nhất Việt Nam như thế nào”. Không ngờ, sau khi làm bài test thì tôi được tuyển dụng. Và tôi may mắn được cô Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, một người có tố chất như William Arthur Ward từng nói: “Dạy học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ trao đi tri thức, nó đòi hỏi truyền cảm hứng cho thay đổi”, đào tạo. Cô Hạnh không chỉ giúp tôi có những kiến thức vững chắc về kịch bản mà còn khơi dậy ngọn lửa đam mê và truyền cảm hứng nghề biên kịch trong tôi, giúp tôi mạnh dạn theo đuổi nghề này

Đặng Nhã từng là biên kịch của bô truyện Thần Đồng Đất Việt

Cô từng là biên kịch của bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt 

Không viết văn nhưng vẫn có thể làm kịch bản hay

Nhiều bạn trẻ rất thích nghề biên kịch nhưng không dám theo đuổi vì nghĩ để viết được kịch bản thì phải viết giỏi như nhà văn. Điều này không chính xác. Thực tế, một nhà văn thường viết kịch bản tốt, nhưng một nhà biên kịch không viết văn được nhưng vẫn có thể viết được kịch bản hay. Bởi lẽ một tác phẩm văn học phần lớn là dùng ngôn từ “đẹp” bay bổng để miêu tả, còn kịch bản chủ yếu là dùng ngôn từ  mà bạn nghe và thấy hàng ngày để xây dựng nhân vật và phát triển tình huống kịch bản.

biên kịch Đặng Nhã tại talkshow Đối thoại giữa Biên kịch và Đạo diễn

Biên kịch Đặng Nhã chia sẻ trong talkshow Đối thoại giữa Biên kịch và Đạo diễn

Vì vậy, nếu bạn có một nền tảng kiến thức tốt về văn hóa – xã hội, chịu khó quan sát, nhạy cảm với những điều đang diễn ra xung quanh và đặc biệt là yêu thích công việc viết lách thì xin chúc mừng bạn, bạn có tố chất để trở thành một biên kịch giỏi.

Biên kịch là nghề có áp lực cao

Một trong những điểm yếu thường gặp ở các biên kịch trẻ mới vào nghề là không biết nắm bắt ý tưởng, không xác định được mục đích của câu chuyện. Các bạn “đẻ” ra nhân vật, nhưng lại  không hiểu về nhân vật của mình muốn gì, điều gì ngăn cản khiến nhân vật không đạt được ước muốn đó khiến cho câu chuyện thành một mớ hỗn độn.

Biên kịch Đặng Nhã gameshow Tài Tiếu Tuyệt

Cô đang là biên kịch của gameshow Tài Tiếu Tuyệt

Khi mới tiếp xúc với nghề biên kịch, các bạn trẻ thường háo hức viết theo sự chỉ dẫn của cảm xúc mà không nghĩ đến khán giả cần gì, muốn gì, xu hướng của thị trường giải trí, yêu cầu của nhà sản xuất, thực tế sản xuất,… Những sản phẩm như thế luôn bị từ chối hoặc bị sửa đến 90% khiến cho các bạn trẻ dễ nản chí và bỏ cuộc.

Biên kịch cũng là một nghề nghiệp có áp lực rất lớn. Việc cắm đầu viết ngày viết đêm, cả trong những ngày lễ để đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất nhưng lại được trả tiền nhuận bút rất chậm, thậm chí là bị quỵt là chuyện rất bình thường. Nếu bạn không đủ sức khỏe về thể chất và tinh thần, không có niềm đam mê thì rất khó để theo nghề.

Kịch bản vốn có quy tắc riêng

Kịch bản vốn có những quy tắc riêng của nó. Để viết được một kịch bản hay bắt buộc biên kịch phải nắm chắc những kỹ thuật cơ bản của kịch bản và những yêu cầu, xu hướng của ngành giải trí. Vì vậy, việc học một khóa đào tạo bài bản về nghề biên kịch là điều cần thiết, nó giúp biên kịch xây dựng được cái khung vững chắc để truyền tải một cách hiệu quả nhất câu chuyện mà họ muốn nói.

biên kịch Đặng Nhã

Biên kịch Đặng Nhã

Thạc sĩ Văn học

Biên kịch chuyên về kịch bản gameshow, hài kịch, kịch án: Kỳ Án Đông Tây Kim Cổ, Vitamin Cười, Tài Tiếu Tuyệt, Kính Đa Tròng, Xả Xì Trét, Cười Vui Lắm, Hàng Xóm Lắm Chiêu,…

Từng là biên kịch cho bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt

Hiền Đặng