Hoạ sĩ hoạt hình - Thế hệ tiếp theo - Comic Media Academy

Hoạ sĩ hoạt hình – Thế hệ tiếp theo

08/04/2020

Chúng ta đã có đủ người có thể tạo ra những thủ thuật đơn giản với máy tính. Những gì chúng ta cần bây giờ là những người nhìn xa trông rộng và những kẻ mộng mơ.

Trong vòng 15 năm qua, các vị trí ‘thần thánh’ cho hầu hết các họa sĩ hoạt hình là có một chân trong các studio lớn như Pixar, DreamWorks, Sony, Blue Sky hay Disney. Những họa sĩ hoạt hình ngày nay đang phải đối mặt với sự thay đổi chóng mặt của nền công nghiệp này, bao gồm mẫu sản xuất hoàn toàn mới. Những bộ phim như Chico và Rita, Rango, Coraline, The Illusionist và Waltz with Bashir tốn ít chi phí hơn Brave hay Madagascar 3 và chúng dành riêng cho những khán giả nhất định. Những kênh phân phối và trình chiếu mới đang nổi lên và các studio lớn của Hollywood đang phải đối mặt với sự thất bại đau lòng của những bộ phim triệu đô như Mars Needs Moms. Kể cả tượng đài sừng sững Pixar cũng đang gặp khó khăn với việc duy trì tiêu chuẩn sáng tạo cao của mình dưới áp lực sản xuất đều đều ba phim một năm.

Chúng ta có chuẩn bị cho thế hệ họa sĩ hoạt hình tiếp theo những hành trang tốt hơn để bước vào ngành công nghiệp đang chờ đợi họ. Chúng ta có thể chỉ dẫn tốt hơn cho thế hệ Miyazaki, Lasseter hoặc Disney tiếp theo. Dựa trên sự quan sát cá nhân của tôi từ việc tiếp xúc với các họa sĩ hoạt hình trẻ trên khắp thế giới, đa số sinh viên tốt nghiệp từ các trung tâm giáo dục và các trường đại học đều thiên về kỹ thuật hơn là mỹ thuật. Có khả năng vẽ bên cạnh các sản phẩm cuối cùng có thể xây dựng nên một portfolio mạnh, hiện không còn là yếu tố bắt buộc nữa. Thậm chí nhiều chương trình về hoạt hình hiện nay hoàn toàn không đòi hỏi kỹ năng này. Dù đúng là trong hai thập kỷ qua máy tính đã dần thay thế bút chì truyền thống nhưng kỹ năng vẽ chính là năng khiếu rõ ràng nhất để đánh giá chung trong ngành hoạt hình. Nếu như không có kỹ năng vẽ thì bạn chỉ còn lại tiềm năng của một lập trình viên máy tính. Số lượng các họa sĩ hoạt hình ùa vào ngành tạo ra môi trường cạnh tranh khác nghiệt khiến tiêu chuẩn đầu vào, vốn đã rất thấp, lại càng bị đẩy xuống thấp hơn. Những họa sĩ hoạt hình mới vào nghề sẽ thành đối tượng bị bóc lột. (Một vài tháng trước tôi đã viết một bài ví dụ trong dự thảo của mình cho bài báo của Acting for Animators.)

HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Một phần lớn của khó khăn là kết cấu giáo án của bộ môn hoạt hình vẫn đang trong quá trình phát triển và các trung tâm giáo dục đang tìm ra cách tốt nhất để giảng dạy bộ môn này. Học viện Mỹ thuật California (CalArts), học viện cấp một của các chương trình sau đại học tại Mỹ chuyên về các ngành hoạt hình, được thành lập bởi Walt Disney vào năm 1961, đó mới chỉ là 50 năm trước. Trước đó không hề có trường nào giảng dạy về hoạt hình. Quyển sách ‘Acting for Animators’ của tôi là quyển sách đầu tiên hệ thống hoá lý thuyết kỹ thuật diễn xuất cho các họa sĩ hoạt hình thay vì các diễn viên và nó suýt chút thì đã không được xuất bản. Vô số các nhà xuất bản đã từ chối bản thảo vì ‘nếu các họa sĩ hoạt hình cần một quyển sách riêng về diễn xuất thì hẳn đã phải tồn tại một cuốn như vậy rồi.’  Và hoàn toàn nhờ vào một phép màu nào đó mà Heinemann cuối cùng cũng chịu xuất bản nó vào năm 2001. Sau sự thành công của Toy Story vào năm 1995 công chúng hình thành nên một cái nhìn sai lầm là các họa sĩ hoạt hình không phải vẽ tay như ngày trước. Máy tính sẽ lo chuyện vẽ vời, nên các họa sĩ hoạt hình của thế kỷ 21 chỉ cần học cách điều khiển các điểm ảnh pixel. Và việc đó dẫn đến tình trạng của chúng ta ngày nay: các trường dạy hoạt hình vì lợi nhuận dạy kỹ năng máy tính nhiều hơn là kỹ năng hoạt hình.

Hầu hết các chương trình đại học sẽ lập tức trở nên chặt chẽ hơn nếu tiêu chuẩn đầu vào được chọn lọc kỹ hơn. Một sinh viên phối cảnh nên thật sự có năng khiếu kể chuyện bằng hình ảnh. Nếu portfolio không quan trọng thì những phương pháp sàng lọc khác phải được áp dụng. Sự thật là nếu các tài năng thực thụ không dạy được, kể cả bởi những bậc thầy giỏi nhất. Giáo dục chỉ có thể rèn luyện kỹ năng và kỹ thuật, nhưng chỉ có thể khuyến khích tài năng. Nếu một học sinh không có năng khiếu ngay từ khi nhập học, cô ấy sẽ không có năng khiếu khi tốt nghiệp. Các lớp dạy về Maya và tạo mẫu cần phải cân bằng giữa huấn luyện kể chuyện và viết sáng tạo. Để gia tăng kỹ năng điện ảnh, trường học thường tổ chức câu lạc bộ phim ảnh tương tự như đạo diễn Beeban Kidron diễn tả trong bài nói Ted Talk của cô: Xem video tại đây

Các lớp học ứng biến vô cùng có ích vì chúng giúp ngay cả một họa sĩ hoạt hình ít nói nhất tương tác với các họa sĩ khác. Ứng biến không thay thế việc đào tạo diễn xuất nhưng nó giúp ích và không tốn quá nhiều chi phí.

Cuối cùng, và cũng quan trọng nhất, là các giáo viên đều phải làm rõ bản chất và mục đích của kể chuyện. Hiện nay các studio hoạt hình lớn nhận định một câu chuyện ‘hay’ là một câu chuyện đem lại được nhiều lợi nhuận nhất. Giá trị của một bộ phim hoạt hình chỉ được đo lường bằng số tiền mà nó đem lại. Các ưu tiên của các nhà lãnh đạo Hollywood bị đảo lộn đến mức The Iron Giant của Brad Bird được cho là một sự thất bại trong khi Shrek the Third lại là một thành công.

Chúng ta đã có đủ người có thể tạo ra những thủ thuật đơn giản với máy tính. Những gì chúng ta cần bây giờ là những người nhìn xa trông rộng và những kẻ mộng mơ, thế hệ John Lasseter và Miyazaki tiếp theo. Chúng ta cần thêm những phù thuỷ có thể chạm tới trái tim của khán giả.

 * Nguồn: Animation World Network

 * Biên dịch: LIT