13 lời khuyên sử dụng hình ảnh tham khảo hiệu quả - Comic Media Academy

13 lời khuyên sử dụng hình ảnh tham khảo hiệu quả

18/03/2020

Hình ảnh tham khảo là nguồn tài liệu cực kỳ hữu ích, nhưng bạn cần học cách sử dụng chúng hiệu quả nếu muốn sáng tác thành công tác phẩm đòi hỏi độ chân thực cao. Vẽ theo trí nhớ không phải là cách hay để miêu tả chính xác, vì có quá nhiều chi tiết khó nhớ, và đây là lúc hình ảnh tham khảo phát huy tác dụng.

Bài viết dưới đây tổng hợp lời khuyên của các chuyên gia về cách bảo đảm sử dụng hình ảnh tham khảo hiệu quả nhất. Hãy làm theo những lời khuyên cụ thể, đúng trọng tâm này nếu bạn đang sử dụng hình ảnh tham khảo để sáng tác nghệ thuật.

01. Nhận diện vùng xám

Suzanne Helmigh vẽ artwork, đóng thành sách, rồi bán chúng cho họa sĩ khác.

Sử dụng hình ảnh tham khảo tất nhiên không giống như sao chép đơn thuần, nhưng giữa chúng thỉnh thoảng có vùng xám. Họa sĩ minh họa Kelley McMorris ở California nói, “Vấn đề lớn nhất là khi họa sĩ quá bám sát hình ảnh tham khảo. Tư thế hoặc phối cảnh đôi khi trông tự nhiên trong ảnh chụp, nhưng vụng về, cứng nhắc trong bức vẽ. Bạn cần chỉnh sửa hình ảnh tham khảo để nó phục vụ cho bức vẽ, và không có cách nào khác. Hoặc như lời giảng viên của tôi từng nói, ‘Đừng làm nô lệ của hình ảnh tham khảo!’”

Họa sĩ minh họa và vẽ concept trong ngành công nghiệp điện ảnh và game ở Hà Lan Suzane Helmigh đồng tình với ý kiến trên. Cô nói, “Điều quan trọng là biết mình tìm gì, và không đơn giản vẽ những gì mình thấy.”

“Tôi từng dạy vẽ chân dung. Tôi bảo mọi người nghiên cứu hộp sọ và cơ mặt trước khi vẽ khuôn mặt. Việc này giúp trang bị cho họ kiến thức về tỷ lệ kích thước hợp lý.”

02. Kết hợp nhiều hình ảnh tham khảo

Poster quảng cáo phim Black Widow của Neil Davies. Anh cho biết, “Bạn cần hiểu đúng thông tin mà hình ảnh tham khảo mang lại.

Davies thấy cần sử dụng nhiều hơn một hình ảnh tham khảo. Anh nói, “Tôi luôn cố gắng tìm thêm hình ảnh tham khảo ngay cả khi vẽ theo hình ảnh tham khảo chính. Ví dụ, tôi thường sử dụng hình ảnh tham khảo này để vẽ khuôn mặt, hình ảnh tham khảo kia để nghiên cứu ánh sáng, hình ảnh tham khảo nọ để lấy ý tưởng về phối màu. Kết hợp nhiều hình ảnh tham khảo khác nhau là cách sáng tạo tuyệt vời.”

Bạn sẽ nghe câu chuyện tương tự khi trò chuyện với hầu hết họa sĩ chuyên nghiệp, ngoại trừ họa sĩ truyện tranh Hàn Quốc Kim Jung Gi. Anh nổi tiếng không sử dụng hình ảnh tham khảo, nhưng không hoàn toàn vẽ theo trí tưởng tượng. Trong một cuộc phỏng vấn trên website, anh giải thích, “Tôi luôn quan sát mọi thứ. Tôi không sử dụng hình ảnh tham khảo trong lúc vẽ, nhưng tôi luôn sưu tầm tài liệu hình ảnh. Tôi xem chúng mỗi ngày như một thói quen. Tôi nghiên cứu đủ loại hình ảnh.”

03. Lưu ý bản quyền

Bạn tìm hình ảnh tham khảo ở đâu? Rõ ràng là trên Google Images và Pinterest rồi, nhưng đừng quên vấn đề bản quyền. McMorris nói, “Tôi đôi khi lo ngại rằng mình quá bám sát hình ảnh tìm thấy trên mạng. Vì vậy, nếu sử dụng hình ảnh lấy từ trên mạng, tôi cố gắng tìm hình ảnh miễn phí bản quyền, và luôn tìm cách thay đổi chúng. Ví dụ, tôi thay đổi trang phục của người mẫu, hoặc chỉ tham khảo bàn tay thay vì toàn bộ.”

04. Tự làm hình ảnh tham khảo

McMorris bỏ qua trung gian, tự chụp hình tham khảo.

McMorris tự mình chụp hình tham khảo thay vì nhờ đến trung gian. Cô giải thích, “Tôi thường lục lọi tủ quần áo tìm kiếm món đồ có thể ‘hô biến’ thành trang phục, lấy đồ dùng trong nhà làm đạo cụ, và chụp vài pô ảnh bằng điện thoại. Việc này chỉ mất vài phút, nhưng có thể giúp tôi tiết kiệm hàng tiếng đồng hồ vật lộn với bản vẽ theo trí tưởng tượng. Bằng cách tự mình chụp hình, bạn không chỉ tránh được vấn đề vi phạm bản quyền, mà còn phát hiện những tư thế, góc nhìn, ánh sáng nào là tối ưu cho tham khảo.”

Tác phẩm hoàn chỉnh từ hình ảnh tham khảo tự chụp.

Chụp hình chỉ một cách tự làm hình ảnh tham khảo. Ví dụ, Dolamore tự làm mô hình 3D bằng DesignDoll để tham khảo các tư thế, phối cảnh, và bóng đổ. Cô nói, “DesignDoll cho kết quả như ý muốn, mặc dù bạn không thể sao chép y chang.” Tất nhiên, làm vậy sẽ mất chút thời gian. Samuel Read, họa sĩ vẽ concept ở Mighty Kingdom, Adelaide, thừa nhận rằng thời gian gần đây, áp lực thời gian không cho phép anh sử dụng hình ảnh tham khảo thường xuyên, nhưng anh vẫn khuyên người khác làm theo.”

Read giải thích, “Mặc dù sử dụng hình ảnh tham khảo cho mục đích lấy cảm hứng và phát triển ý tưởng, song tôi vẫn thiếu tranh ảnh cho những việc như tạo dáng nhân vật, nghiên cứu biểu cảm, thiết kế tay, chân, mắt, mũi, miệng,…”

05. Phân tích quy trình

Thầy gọi hồn Dave-o của Samuel Read. Anh nói, “Hình ảnh tham khảo cần thiết cho xây dựng nhân vật, đạo cụ, và môi trường chân thực.”

Hashtag #ArtistConfessions chia sẻ thú nhận của họa sĩ về “sử dụng hình ảnh tham khảo” trên Twitter đã khiến Samuel Read suy nghĩ lại quy trình và tập trung hơn vào khía cạnh ảnh hưởng đến sáng tác. Anh nói, “Nhờ sử dụng hình ảnh tham khảo phong phú, đa dạng hơn, tôi đã bắt đầu học được nhiều cách vẽ người, phương pháp truyền tải ý tưởng, chẳng hạn như lột tả vẻ già nua, mệt mỏi, hay rắn rỏi qua bàn tay.

Hình ảnh tham khảo có thể chứa nhiều thiếu sót, nhưng sử dụng đúng cách sẽ giúp bạn vẽ tốt hơn. Dolamore cho biết, “Tôi nghe họa sĩ chuyên nghiệp tự hào kể họ sử dụng hình ảnh tham khảo, và thấy nó rất hữu ích. Hình ảnh tham khảo cho tôi sự tự tin để nghĩ rằng, ‘Ồ, mình cũng có thể làm được.’ Tôi ngừng suy nghĩ về chủ nghĩa thuần túy, chú trọng nhiều hơn vào cách hiện thực hóa suy nghĩ ban đầu. Tại sao không tận dụng công cụ sẵn có?”

Hình ảnh tham khảo có thể cản trở nếu bạn không biết khắc phục thiếu sót của chúng. Mỗi dự án tuy khác nhau, nhưng đây là nguyên tắc bạn cần tuân thủ để sử dụng đúng cách hình ảnh tham khảo.

06. Không sao chép nguyên xi hình ảnh tham khảo

Tránh sao chép nguyên xi hình ảnh tham khảo.

Họa sĩ luôn có ý muốn sao chép nguyên xi hình ảnh tham khảo. Người vật trong ảnh chụp rõ ràng không giống như ngoài đời thực; vì vậy, đừng quên rằng hình ảnh tham khảo chỉ dùng vào mục đích lấy thông tin về tỷ lệ, kích thước, màu sắc,… Để có kết quả giống như thật, bạn sẽ phải đi chệch khỏi hình ảnh tham khảo. Sai lệch đôi khi sẽ cực đoan, nhưng cũng có khi tinh tế.

07. Tự hỏi có cần hình ảnh tham khảo hay không

Vẽ mẫu thật đôi khi sẽ tốt hơn.

Câu hỏi tuy có vẻ đơn giản, song điều quan trọng là bạn cần tự hỏi mình câu này. Vẽ mẫu thật sẽ cho kết quả chân thực, hiệu quả nhất. Mặc dù việc này không phải lúc nào cũng khả khi, nhưng hãy hãy chắc chắn rằng bạn không sử dụng hình ảnh tham khảo theo mặc định.

Nếu bạn có thể nhanh chóng thiết lập một cái gì đó trong studio của mình, mà không gặp quá nhiều rắc rối, thì hãy làm theo cách đó. Hãy đi theo hướng này nếu bạn có khả năng setup nhanh trong studio.

08. Tự chụp ảnh tham khảo

Đừng hài lòng với hình ảnh tưởng chừng ổn thỏa.

Bạn nên tự mình chụp ảnh tham khảo. Mỗi dự án đòi hỏi chút gì đó khác với hình ảnh tham khảo. Hình ảnh tham khảo trên Internet tuy dễ tìm, nhưng chưa chắc đáp ứng yêu cầu bạn. Vì vậy, nếu điều kiện cho phép, bạn hãy dành thêm thời gian cho chụp hình tham khảo.

09. Tìm kiếm yếu tố bất thường

Khi phát hiện yếu tố bất thường trong ảnh chụp, chúng ta sẵn sàng chấp nhận nó. Chúng ta không nghi ngờ nó, vì camera vốn có khả năng ghi lại chân thực. Tuy nhiên, là họa sĩ, chúng ta cần lưu ý yếu tố bất thường khi chuyển lên giấy vẽ. Phối cảnh cưỡng bức, góc nhìn hoặc ánh sáng bất thường, thậm chí biến dạng đều lộ rõ trong ảnh chụp. Bạn có thể bù đắp yếu tố bất thường nếu tìm thấy chúng.

10. Tránh hình ảnh tham khảo dư sáng

Dư sáng sẽ che đi nhiều khuyết điểm trên khuôn mặt.

Họa sĩ thường sử dụng hình ảnh tham khảo của các nhiếp ảnh gia thời trang. Hình ảnh tham khảo loại này đa phần không đáp ứng yêu cầu của họ. Ví dụ, nhiếp ảnh gia thời trang cố tình xóa bóng đổ trên khuôn mặt để mang lại vẻ tươi tắn, phẳng mịn cho người mẫu. Việc này tuy giúp che đi khuyến điểm trên khuôn mặt, nhưng không cung cấp thông tin cấu trúc cho họa sĩ.

11. Tập trung vào yếu tố ánh sáng`

Ánh sáng là yếu tố cần cân nhắc nhiều nhất.

Ánh sáng trong hình ảnh tham khảo là yếu tố cần cân nhắc nhiều nhất đối với họa sĩ. Để nắm vững cấu trúc đối tượng muốn vẽ, bạn cần ánh sáng hợp lý. Các mảng sáng tối cần rõ ràng, dễ nhận biết. Ánh sáng càng hợp lý càng dễ chuyển thành tác phẩm nghệ thuật.

12. Đừng quên ảnh chụp có rìa “cứng”

Mỗi đối tượng trong ảnh chụp đều được làm “cứng” rìa cạnh.

Ảnh chụp có rìa “cứng” ở nhiều mức độ khác nhau trừ khi áp dụng bộ lọc. Chuyển tiếp sáng tối mềm mại trên má người mẫu thường sẽ trông khá “cứng” trong ảnh chụp. Nhớ nhấn mạnh rìa “mềm” khi bạn vẽ theo hình ảnh tham khảo. Chút bù đắp này sẽ giúp đem lại vẻ sống động, tự nhiên cho tác phẩm của bạn.

13. Nghiên cứu riêng màu sắc

Sự biến đổi màu sắc trong ảnh chụp có thể từ tinh tế đến cực đoan.

Chúng ta hẳn có lần chỉnh sai chế độ cân bằng trắng khi chụp ảnh để rồi sau đó phát hiện bức ảnh ám xanh/vàng. Sự biến đổi màu sắc trong ảnh chụp có thể từ tinh tế đến cực đoan. Cách khắc phục hiệu quả nhất là quan sát đối tượng ngoài đời thực, sưu tầm hình ảnh tham khảo càng nhiều càng tốt, nghiên cứu riêng màu sắc từ hình ảnh tham khảo.

*Nguồn: creativebloq 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy