Lịch sử điện ảnh Mỹ - Những cuộc biểu tình đòi công bằng cho nghề Biên Kịch - Comic Media Academy

Lịch sử điện ảnh Mỹ – Những cuộc biểu tình đòi công bằng cho nghề Biên Kịch

05/02/2020
Hollywood được ví như thiên đường điện ảnh của thế giới vì nó đem đến sự giàu có và danh vọng cho nhiều người, nhưng thiên đường ấy dường như không có chỗ cho biên kịch. Bất chấp sự thành công của phim, nhiều biên kịch vẫn bị đối xử bất công: làm thêm giờ, bị cắt giảm lương, ít khi nổi tiếng… Chính vì vậy, trong lịch sử điện ảnh Mỹ, không ít lần giới biên kịch đã đứng lên giành quyền lợi cho nghề của mình.

Hội những nhà biên kịch Mỹ và những cuộc biểu tình cuối thế kỉ 20

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giới biên kịch, năm 1912, hội những nhà biên kịch Mỹ (Writers Guild of America – WGA) được thành lập. Với sự ra đời của WGA, lần đầu tiên các biên kịch điện ảnh, truyền hình được bảo hộ về mức lương, quyền tác giả và có những giải thưởng vinh danh. 

Trong quá trình hoạt động của mình, WGA đã không ít lần đàm phán với Hội Liên Hiệp Sản Xuất Phim Điện Ảnh và Truyền Hình về quyền lợi của giới biên kịch, thậm chí còn tổ chức 5 cuộc biểu tình nhằm phản đối chính sách lương thấp của biên kịch. Điển hình là cuộc biểu tình kéo dài 12 tuần từ ngày 7/3/1988 đến ngày 7/8/1988. Những cuộc biểu tình của WGA đã giúp các nhà biên kịch được hưởng lương chính đáng và lần đầu tiên được đóng bảo hiểm y tế từ những bộ phim truyền hình do mình viết.

Cuộc biểu tình năm 2017

Thế kỉ 21 mở ra kỉ nguyên mới cho dòng phim truyền hình dài tập Mỹ như Band of Brothers (2001), Game of Thrones (2011), Sleepy Hollow (2013),… Những series truyền hình nổi tiếng toàn thế giới đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Hollywood, tuy vậy biên kịch lại phải đối mặt với thu nhập dần bị cắt giảm xuống. Năm 2017, WGA một lần nữa tổ chức các cuộc nổi dậy giúp giới biên kịch đòi lại những thứ vốn thuộc về mình.

Cuộc biểu tình đã khiến ngành công nghiệp phim ảnh của Mỹ trì trệ: các kịch bản bị bỏ dở, tiến độ của các chương trình Tivi và các series truyền hình không đảm bảo, chất lượng kịch bản và phim đi xuống. Thậm chí, liên hoan phim Cannes 2017 đã không còn xuất hiện bóng dáng phim bom tấn Hollywood.

Liên hệ Việt Nam – Làm sao để biên kịch đảm bảo quyền lợi của mình

Khác với Mỹ, ở Việt Nam hiện nay chưa tồn tại một tổ chức nào bảo hộ cho nghề biên kịch trong khi công việc viết kịch bản ở nước ta vốn là một nghề mới, vẫn đang còn bị xem nhẹ và chịu nhiều rủi ro, thậm chí có cả rủi ro bị đánh cắp kịch bản.

Bài học từ Hollywood cho thấy, để nâng cao vị thế của nghề, các biên kịch cần liên kết lại, thành lập một tổ chức bảo hộ. Trong bối cảnh chưa có tổ chức bảo hộ, mỗi biên kịch cần tự có ý thức bảo vệ mình: đăng kí bản quyền, chủ động yêu cầu kí hợp đồng, và quan trọng là cần nâng cao năng lực nghề. Một biên kịch được trang bị đầy đủ các kiến thức chuẩn về ngành nghề luôn nhận được sự tôn trọng và tín nhiệm chính đáng.

————-

Lạc An