Viết bản thảo đầu tiên - Comic Media Academy

Viết bản thảo đầu tiên

16/08/2019

 

Dưới đây là bài chia sẻ của Clive Davies-Frayne về giải pháp viết bản thảo đầu tiên. Theo ông, trước khi bắt tay vào viết kịch bản, bạn nên thực hiện công việc phát triển nhân vật/cốt truyện, rồi khám phá giải pháp khắc phục vấn đề phát sinh trong quá trình viết bản thảo đầu tiên.

Giải pháp của ông không mang tính toàn diện. Nó có thể phù hợp với người này, nhưng vô dụng với người kia, do mỗi người có cách làm việc khác nhau.

Trong mắt bạn, giải pháp của ông có lẽ không hữu ích cho lắm, nhưng ít ra nó sẽ giúp bạn xây dựng quy trình phát triển nhân vật/cốt truyện cho riêng mình.

Trong bài chia sẻ, trước khi đi vào đề cập những công cụ được sử dụng để phát triển nhân vật/cốt truyện, ông nói lý do vì sao viết bản thảo đầu tiên – khởi đầu câu chuyện từ trang giấy trắng – chẳng bao giờ là dễ dàng.

 

Tìm hiểu vấn đề

Thuở mới vào nghề, tôi gặp một số vấn đề với bản thảo đầu tiên. Vấn đề đầu tiên là tôi mất quá nhiều thời gian để viết nó. Tôi may mắn được trời phú cho khả năng viết 5 – 6 trang/ngày, và thừa sức viết nhiều hơn con số đó. Do đó, vấn đề không nằm ở kỹ năng viết lách, vì kịch bản vốn không phải là tác phẩm văn học. Nhà biên kịch không nhất thiết phải có phong cách sáng tác như một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp.

Sáng tác câu chuyện và phát triển nhân vật là công việc tiêu tốn nhiều thời gian. Tôi sở dĩ mất nhiều thời gian cho bản thảo đầu tiên là vì sử dụng nó làm công cụ phát triển nhân vật /cốt truyện. Trước khi đặt bút xuống viết, tôi luôn tự hỏi nhân vật này là ai? Diễn biến tiếp theo của câu chuyện sẽ là gì? Và tôi phải cố gắng làm rõ những câu hỏi này.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng bản thảo đầu tiên làm công cụ phát triển nhân vật, tôi thấy mình vướng phải vấn đề khác. Mấy trang đầu của bản thảo luôn đầy rẫy sai sót “chết người.” Nguyên nhân là khi mới viết, tôi chưa hiểu rõ nhân vật, nên mắc sai sót là lẽ đương nhiên, và phải đến khi viết tới trang cuối, tôi mới nhận ra và quay lại chỉnh sửa gấp. Chỉnh sửa xong xuôi, nếu không còn gì nữa, tôi viết bản thảo thứ hai để bảo đảm nhân vật nhất quán trong suốt câu chuyện.

 

Bước 1: Phát triển và viết kịch bản là hai việc khác nhau

Đầu tiên, tách riêng công việc phát triển ra khỏi công việc viết kịch bản. Viết bản thảo đầu tiên là khởi đầu của quá trình viết kịch bản. Do đây chỉ là bước phân tích và phát triển nhân vật/cốt truyện trước khi bắt tay vào viết thật sự, bạn không nhất thiết xây dựng nhân vật/cốt truyện hấp dẫn trong giai đoạn này.

Nếu trước khi viết thật sự, bạn chỉ chú tâm vào phát triển nhân vật/cốt truyện, thì chất lượng bản thảo sẽ được cải thiện đáng kể. Càng làm tốt công việc phát triển bao nhiêu, viết kịch bản sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu.

 

Bước 2: Định hướng bằng logline

Logline được các nhà biên kịch sử dụng làm công cụ pitching. Logline thường được viết ngắn gọn, súc tích, dài không quá 40 từ. Nó cho biết câu chuyện kể về điều gì. Nó tiết lộ nội dung trọng tâm của câu chuyện.

Hiểu rõ câu chuyện kể về điều gì là yếu tố giúp giữ cho kịch bản đi đúng hướng. Kịch bản không đi vào trọng tâm thường có khuynh hướng lan man, lạc đề. Logline đóng vai trò giống như la bàn, giúp nhà biên kịch định hướng câu chuyện trên từng trang bản thảo, bảo đảm mỗi tình tiết viết ra đều phục vụ cho câu chuyện. Sáng tác câu chuyện mà không có logline sẽ giống như đi lang thang vô định trong rừng.

Logline không bắt buộc dùng vào mục đích pitching, song cần chứa đựng nội dung trọng tâm của câu chuyện. Logline góp phần cải thiện chất lượng bản thảo nhờ giữ cho câu chuyện đi đúng hướng.

 

Bước 3: Phát triển kịch bản

Cấu trúc câu chuyện đóng vai trò quan trọng trong viết kịch bản. Nó giúp trình bày câu chuyện sao cho dễ theo dõi. Tuy nhiên, những ai quen viết câu chuyện theo đúng cấu trúc sẽ gặp phải một số vấn đề phát sinh, và đây là nguyên nhân…

“Câu chuyện đơn thuần xoay quanh cách nhân vật phản ứng với tình huống.”

Vấn đề với cấu trúc câu chuyện là nó chú trọng vào tình huống hơn là phản ứng của nhân vật trước tình huống đó.

Muốn viết tốt bản thảo đầu tiên, bạn cần ghi nhớ rằng TẤT CẢ cốt truyện đều phải dựa theo nhân vật (character-driven). Những ai không hiểu câu chuyện là gì sẽ cố sáng tác câu chuyện dựa theo cốt truyện (plot-driven). Điều này có thể được chứng minh dễ dàng qua ví dụ sau. Tưởng tượng nhân vật chính trong câu chuyện giữ vali tài liệu quan trọng, và vali ấy bị kẻ xấu đánh cắp. Trong câu chuyện này, nhân vật chính là Tony Stark (Iron Man); trong câu chuyện kia, nhân vật chính là Spongebob Squarepants. Các câu chuyện sẽ giống nhau chứ? Tất nhiên là không. Nhưng tại sao? Vì câu chuyện được xây dựng theo hướng nhân vật chính (Tony Stark/ Spongebob Squarepants) phản ứng với tình huống (vali bị đánh cắp).

Như bạn thấy, mặc dù nhân vật phản ứng vì tình huống (cốt truyện) ép buộc, nhưng nhân vật mới là nhân tố quyết định diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Nói cách khác, nhân vật chi phối cốt truyện.

Về cơ bản, phát triển kịch bản là phát triển nhân vật! Do đó, càng làm tốt công việc phát triển nhân vật bao nhiêu, viết bản thảo đầu tiên sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu. Điều này có nghĩa muốn viết tốt bản thảo đầu tiên, bạn cần định hướng phát triển nhân vật, rồi mới viết kịch bản.

Phương hướng phát triển nhân vật đơn giản, hiệu quả nhất là cho tình tiết diễn ra tự nhiên dựa trên mâu thuẫn giữa các nhân vật.

Ghi chép, sưu tập bài viết và ảnh chụp, viết truyện ngắn về những biến cố (nằm ngoài kịch bản) trong cuộc sống của nhân vật cũng là cách giúp bạn phát triển nhân vật, và tạo cơ hội viết tốt bản thảo đầu tiên.

 

Bước 4: Viết beat sheet hoặc treatment

Logline cho bạn biết nhân vật và nội dung trọng tâm của câu chuyện. Giờ đến lúc viết bản thảo đầu tiên được hay chưa?

Chưa, vì bạn còn phải thực hiện thêm bước nữa. Tóm tắt câu chuyện. Nhân vật chính sống trong thế giới nào? Nhân vật chính bị tình huống nào đưa đẩy vào câu chuyện? Và chuyện gì xảy ra sau đó?

 

Beat Sheet

Phương pháp tóm tắt câu chuyện phổ biến nhất là viết beat sheet. Beat sheet là danh sách những tình tiết xảy ra. Một số nhà biên kịch viết tình tiết câu chuyện lên thẻ, rồi ghim chúng lên bảng – phương pháp cho phép hoán đổi hoặc sắp xếp lại tình tiết câu chuyện. Số khác đơn giản liệt kê tình tiết câu chuyện.

Ưu điểm của beat sheet là nó giúp rút ngắn câu chuyện xuống còn 1 – 2 trang. Mỗi trang ghi 30 – 40 tình tiết, được thể hiện bằng những câu đơn giản. Với beat sheet, bạn có thể xem nhanh nội dung câu chuyện, rồi viết lại trong vòng vài giờ hoặc ít hơn. Áp dụng phương pháp ghim thẻ lên bảng thậm chí nhanh và linh hoạt hơn nữa. Nó dễ hơn nhiều so với việc vừa cố làm rõ cốt truyện, vừa viết bản thảo mới.

 

Treatment

Nhiều nhà biên kịch sử dụng treatment làm công cụ pitching. Về cơ bản, treatment được viết cho người khác đọc, nên nó dài dòng hơn beat sheet. Treatment thường là đoạn miêu tả vừa đủ cho người đọc hình dung ra câu chuyện. Treatment cho mục đích pitching thường dài khoảng 5 trang.

Treatment cũng có loại phục vụ cho mục đích phát triển kịch bản, và nó thường rất dài, có khi tới 25 trang. Treatment cho biết chuyện gì xảy ra? Xảy xa ở đâu? Nhân vật phản ứng thế nào với tình huống? Nó cho khán giả khám phá sự thật của câu chuyện.

Nhà biên kịch nắm quyền quyết định những chi tiết cần đưa vào câu chuyện. Chi tiết cần đưa vào thường là thông tin miêu tả địa điểm, lời thoại chi phối cốt truyện,… Viết xong treatment, bạn có câu chuyện trong đầu… và giờ viết kịch bản được rồi.

 

Mẹo viết kịch bản

Nếu muốn viết tốt bản thảo đầu tiên, bạn cần thực hiện công việc phát triển một cách có hệ thống trước khi bắt tay vào viết thật sự. Quá trình phát triển cần được thực hiện theo 4 bước nhau:

– Phát triển kịch bản.

– Viết logline.

– Phát triển nhân vật đến mức bạn hiểu rõ anh ta sẽ phản ứng thế nào với tình huống.

– Viết beat sheet, treatment, hoặc cả hai.

Nếu làm tốt công việc phát triển, đến khi ngồi xuống viết kịch bản, bạn sẽ biết rõ tình tiết nào cần diễn ra, nhân vật sẽ phản ứng ra sao, và câu chuyện kể về điều gì. Lúc này, bạn có thể tập trung vào tiết lộ câu chuyện, sáng tác câu chuyện mang đậm chất điện ảnh, cảnh hành động gay cấn, lời thoại ấn tượng,… Lý do bạn làm được những việc này là vì không còn vướng bận xây dựng nhân vật, khám phá chủ đề, tìm kiếm cốt truyện.

À, còn một vấn đề nữa. Nếu bạn viết bản thảo đầu tiên, và nhà sản xuất muốn bạn viết lại cho lôi cuốn, hấp dẫn hơn, bạn có thể viết lại dễ dàng, nhanh chóng nhờ đã làm tốt công việc phát triển.

 

* Nguồn: scriptmag

* Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy