Giai đoạn tiền sản xuất một bộ phim - 13 bước chuẩn bị - Comic Media Academy

Giai đoạn tiền sản xuất một bộ phim – 13 bước chuẩn bị

01/08/2019

 

Thomas Edison có câu nói nổi tiếng, “Thiên tài 1% là cảm hứng và 99% là mồ hôi.” Nhà làm phim đưa câu nói đi xa hơn, “Bộ phim xuất sắc 1% là ý tưởng và 99% là chuẩn bị.”

Thực tế cho thấy đạo diễn tài giỏi đến mấy cũng không thể cho ra đời bộ phim xuất sắc nếu bỏ qua bước chuẩn bị cần thiết cho quá trình làm phim. Đạo diễn thường vì quá say sưa với ý tưởng tâm đắc, nên vội lao ngay vào sản xuất càng nhanh càng tốt. Đây là cái bẫy mà nhiều người mắc phải, từ sinh viên trường điện ảnh cho đến nhà làm phim Hollywood.

Say sưa với ý tưởng tâm đắc đến mức chỉ muốn cả thế giới biết ngay đến nó cũng giống như ngồi sau tay lái trong tình trạng say rượu. Nó thật không phải là ý hay chút nào.

Làm phim là một chuyến hành trình phức tạp, và nhiệm vụ của bạn là lèo lái con thuyền ý tưởng đến đích thành công. Nào bạn hãy uống tách cà phê cho đầu óc tỉnh táo, rồi thực hiện bước chuẩn bị cho chuyến hành trình ngay thôi.

Giai đoạn tiền sản xuất (pre-production) là quá trình chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi bấm máy hầu bảo đảm giai đoạn sản xuất diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Giai đoạn tiền sản xuất kéo dài từ vài tuần đến cả mấy tháng, bao gồm các bước lập kế hoạch, tuyển người, đầu tư trang thiết bị,… Tất cả phải được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Giai đoạn tiền sản xuất thường bắt đầu sau khi bạn biến ý tưởng tâm đắc thành kịch bản phim hoàn chỉnh. Sau đây là danh sách liệt kê 13 việc bạn cần làm trong giai đoạn tiền sản xuất. Những việc cần làm không phải lúc nào cũng mang tính bắt buộc, và bạn không nhất thiết làm theo đúng trình tự trong danh sách. Nhà làm phim có thể dựa vào danh sách này để chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi bắt tay vào sản xuất video, phim quảng cáo, phim truyện,…

 

1. Thành lập ê-kíp (Phần 1)

Tìm người tận tâm, mẫn cán, và đáng tin cậy để đưa vào ê-kíp sản xuất. Nếu thành lập ê-kíp theo cách này, bạn sẽ ưu tiên bạn bè và người thân rồi mới đến đồng nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng cần đến nhà sản xuất, vì anh ta sẽ chia sẻ công việc chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi bấm máy. Giai đoạn tuyển người vào những vị trí quan trọng trong ê-kíp sẽ tiếp thêm cho bạn nghị lực để tiến lên phía trước. Mỗi cá nhân thường có thể đảm nhận nhiều vai trò và công việc khác nhau; ví dụ, diễn viên hoặc giám đốc hình ảnh có thể kiêm luôn công việc của nhà sản xuất. Bạn sẽ như hổ mọc thêm cánh khi quy tụ được dưới trướng những cộng sự cùng chung chí hướng, mục tiêu thực hiện dự án.

 

2. Chuyển kịch bản phim thành storyboard

Bước kế tiếp là chuyển kịch bản phim thành storyboard. Storyboard là kịch bản phim được minh họa bằng hình ảnh sinh động, dễ hiểu giống như truyện tranh. Chúng cho thấy diện mạo từng cảnh quay, từng cảnh phim sau khi biên tập. Đứng dưới góc độ ấn tượng ban đầu, storyboard cho bạn thấy kịch bản phim sẽ trông ra sao khi được chuyển thành hình ảnh. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ thực tiễn, storyboard cho bạn khả năng truyền đạt bằng hình ảnh ý tưởng trong đầu đến diễn viên và ê-kíp. Storyboard không đơn thuần là công cụ trực quan, nó còn có khả năng làm thay đổi lộ trình. Nếu kịch bản phim là sách hướng dẫn, storyboard là bản đồ chỉ đường.

 

3. Lập danh sách cảnh quay

Trước khi bấm máy, bạn cần xác định mỗi cảnh quay sẽ được dàn dựng ra sao, camera sẽ chuyển động như thế nào cho từng cảnh cắt, cùng nhiều chi tiết quan trọng khác. Lập danh sách cảnh quay (shot list) là cách giúp dự toán kinh phí sản xuất, lên lịch quay phim, đầu tư trang thiết bị cần thiết,… trong giai đoạn tiền sản xuất. Bên cạnh đó, nó còn giúp tổ chức sản xuất và bảo đảm quay đủ số cảnh cần thiết cho dự án.

 

4. Phân tích kịch bản

Bạn phân tích kịch bản (script breakdown) để biết mình cần gì trong quá trình sản xuất. Kiểm kê tất cả mọi thứ cần thiết như đạo cụ, phục trang, camera, ống kính, thiết bị âm thanh, nguồn cấp điện, địa điểm quay phim, diễn viên, thành viên trong ê-kíp,… Quá trình kiểm kê cần chi tiết và tỉ mỉ, tốt nhất không nên làm một mình để tránh bỏ sót. Mời các trưởng bộ phận cùng tham gia sẽ giúp kiểm kê hiệu quả hơn và mở ra những cơ hội không ngờ đến. Hãy dành nhiều thời gian cho bước chuẩn bị này, vì nó thật sự cần thiết trong giai đoạn tiền sản xuất.

 

5. Lên lịch quay phim

Lịch quay phim ảnh hưởng sâu sắc tới kinh phí sản xuất và sự phân bổ nguồn lực. Nếu địa điểm quay phim xuất hiện ở nhiều phần khác nhau trong bộ phim, lên lịch quay tất cả các cảnh cùng một lượt sẽ giúp kiểm kê dễ dàng hơn, quay phim ít tốn kém hơn, và cắt giảm chi phí sản xuất. Đây chỉ là một trong số nhiều lợi ích của lịch quay phim. Bạn có thể xếp lịch quay cảnh ban ngày và ban đêm. Thời điểm quay những cảnh này phụ thuộc vào thời điểm hiện diện của diễn viên hoặc địa điểm quay phim. Quá trình quay phim dễ sa vào vòng luẩn quẩn, gián đoạn liên tục nếu bạn lên lịch quay phim không hợp lý. Nhớ đừng bỏ qua bước này.

 

6. Dự toán kinh phí

Sau khi xác định xong mọi thứ cần thiết qua các bước kể trên, giờ bạn tính toán từng khoản chi. Bạn không nhất thiết tính toán chi li, chỉ cần ước tính các khoản chi như phí vận chuyển, thuê mướn trang thiết bị,… Kinh phí không phải lúc nào cũng rót đều đều, nên bạn cần xác định sớm khoản nào đáng chi, khoản nào không đáng chi. Bước dự toán kinh phí có thể ảnh hưởng đến bộ phim trước khi bấm máy. Kịch bản có thể thay đổi nếu kinh phí không cho phép thực hiện cảnh quay tốn kém. Sản xuất có thể trì trệ do thiếu kinh phí và cần phải rót thêm. Kinh phí dư dả sẽ cho phép bạn quay cảnh rượt đuổi mãn nhãn. Các khoản chi dù nhỏ nhặt cũng có thể làm kinh phí đội lên. Bạn cần biết mình thật sự có bao nhiêu nguồn lực trong tay.

 

7. Thiết kế sản xuất

Thiết kế sản xuất là bước xác định bộ phim sẽ mang diện mạo ra sao. Ví dụ, phim hài hước lãng mạn sẽ tràn ngập màu sắc tươi sáng; phim kinh dị sẽ nhuốm màu sắc đen tối, ảm đạm. Bước này giúp xác định chủ đề phim, lựa chọn địa điểm quay phim và nhiệt độ màu thích hợp, hỗ trợ bộ phận phục trang, makeup, dựng cảnh,…

 

8. Thành lập ê-kíp (Phần 2)

Đến lúc này, bạn hẳn đã có ê-kíp ăn ý. Nhà sản xuất, trưởng bộ phận, và thậm chí cả diễn viên. Bảo đảm mọi thành viên trong ê-kíp đều đã phân tích kịch bản. Bắt đầu gọi điện thoại xem ai sẽ có mặt. Nhắc nhở họ về lịch quay phim. Bảo đảm ê-kíp có người thay thế trong trường hợp thay đổi nhân sự. Trên đời này, mọi sự không phải lúc nào cũng theo đúng kế hoạch; do đó, hãy lường trước mọi bất trắc và sẵn sàng ứng phó với nó.

 

9. Tuyển chọn diễn viên

Không có diễn viên, bạn sẽ không có gì cả. Bạn vừa viết xong kịch bản rất hay, nhưng nếu không có diễn viên, kịch bản ấy sẽ trở thành mớ giấy lộn. Tuyển chọn diễn viên bằng nhiều hình thức khác nhau: qua trường học, qua quảng cáo, qua mạng, qua giới thiệu của đồng nghiệp,… Yêu cầu diễn viên đọc kịch bản. Lắng nghe câu chuyện được chuyển tải như thế nào qua giọng nói của người thật. Cho diễn viên thử nhiều vai khác nhau. Nhờ bạn bè và đồng nghiệp đánh giá. Bước này giúp bạn tuyển chọn diễn viên ưng ý – người có khả năng diễn xuất theo đúng chỉ đạo của bạn.

 

10. Tìm kiếm và lựa chọn địa điểm quay phim

Lái xe đi tìm những địa điểm giống như miêu tả trong storyboard. Đặt chân đến những chỗ lý tưởng cho quay phim như sa mạc dưới chân núi, trung tâm thương mại đông người, nhà hàng sang trọng, hoặc thậm chí gara nhà hàng xóm. Thương lượng với chủ nhân nơi này. Cố gắng thuê mướn với giá ưu đãi. Hỏi bạn bè và người thân xem ai có tiệm sửa xe, cửa hàng kim khí, trang trại hay không. Xem giá cho thuê có vừa túi tiền hay không. Thuê mướn trong khả năng của mình.

 

11. Chạy giấy tờ

Đây là bước liên quan đến vấn đề pháp lý. Bạn có thể bỏ qua bước này nếu chỉ quay phim tại nhà cùng bạn bè bằng trang thiết bị sẵn có. Còn như quay phim ở nơi công cộng hoặc nơi không thuộc quyền sở hữu của bạn bằng trang thiết bị thuê mướn, bạn nên làm theo lời khuyên dưới đây:

– Mua bảo hiểm rủi ro cho trang thiết bị, ê-kíp và địa điểm quay phim. Nó tuy tốn tiền, nhưng sẽ giúp bạn ăn ngon, ngủ yên. Không mua bảo hiểm, nếu trang thiết bị hư hỏng hoặc ê-kíp có người gặp tai nạn nghề nghiệp, bạn sẽ tốn tiền gấp bội.

– Bạn cần xin giấy phép của chính quyền địa phương khi muốn quay phim ở nơi công cộng. Nếu quay phim không xin phép, bạn sẽ dễ bị công an gây khó dễ, thậm chí cấm quay phim. Trong hầu hết trường hợp, khi đi xin giấy phép, bạn cần đưa ra bằng chứng cho thấy mình đã mua bảo hiểm.

– Bạn cần làm hợp đồng nếu là người trả lương hoặc lo ngại diễn viên và ê-kíp sau này sẽ đòi yêu sách. Làm phim độc lập không cần đến hợp đồng, nhưng nếu bạn bắt đầu chi tiêu vượt mức dự kiến, thì đây là cách đơn giản để minh bạch hóa các khoản chi.

– Mỗi khi sử dụng hình ảnh của người khác trong phim, bạn cần xin phép chủ nhân của chúng để tránh những rắc rối không đáng có.

 

12. Trang thiết bị

Sử dụng điện thoại di động nếu bạn chỉ quay phim livestream. Tuy nhiên, nếu muốn quay phim chuyên nghiệp, bạn cần sử dụng thiết bị chuyên dụng. Thiết bị chuyên dụng vốn rất đắt tiền; vì vậy, chọn giải pháp thuê mướn là khả thi hơn cả. So sánh giá cho thuê. Hỏi xem trong ê-kíp có ai sở hữu thiết bị chuyên dụng hay không (và họ thường sẽ đồng ý cho thuê). Bạn có thể mua thiết bị đã qua sử dụng với giá rẻ để sau này có nhu cầu sử dụng, bạn sẽ có ngay nó trong tay, đỡ mất thời gian đi thuê mướn tốn kém.

 

13. Trang phục và đạo cụ

Sắp đến ngày bấm máy, bạn cần bảo đảm giải quyết ổn thỏa khâu trang phục. Trang phục tiết lộ nhiều điều về nhân vật. Cố gắng may trang phục cho từng diễn viên. Trang phục cần được bảo đảm tính liên tục trong các cảnh quay tại nhiều thời điểm khác nhau. Kế đến, bạn chuyển sang giải quyết khâu đạo cụ. Đạo cụ là những món như xe hơi, súng ống, TV, khăn giấy,… Lập danh sách kiểm kê từng món. Đừng mua đạo cụ nếu thấy không cần thiết. Mượn của bạn bè, lấy từ trong nhà, hoặc tự chế. Bảo đảm mọi thứ đều sẵn sàng khi bạn bấm máy.

 

* Nguồn: storyboardthat

* Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy