Nghệ thuật kể chuyện - Comic Media Academy

Nghệ thuật kể chuyện

18/07/2019

Nghệ thuật kể chuyện có từ thuở con người bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất. Nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Kể chuyện là cách chúng ta thể hiện sự hiểu biết về con người. Chia sẻ câu chuyện với người nghe là một trải nghiệm bổ ích và đáng nhớ; tuy nhiên, đối với người người mới biết kể chuyện, nó có thể là nỗi ám ảnh. Sợ nói trước đám đông là một căn bệnh phổ biến. Nếu bạn chẳng may mắc căn bệnh này thì yên tâm đi, bạn không phải là người duy nhất đâu, bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới cũng gặp phải tình trạng giống như bạn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn xây dựng lòng tự tin và tìm kiếm bản sắc riêng cho câu chuyện kể của mình.

 

Làm thế nào để trở thành người kể chuyện giỏi?

Kể chuyện cho mọi người nghe là cách duy nhất để trở thành người kể chuyện giỏi; vì chỉ thông qua kể chuyện, bạn mới tích lũy được kinh nghiệm quý giá cho bản thân. Kể chuyện được ví như tập thể hình. Muốn cơ bắp phát triển, vận động viên thể hình cần siêng năng luyện tập. Và bạn cũng cần làm giống vậy nếu muốn phát triển kỹ năng kể chuyện.

Là người kể chuyện, bạn cần học cách giữ bình tĩnh và thoải mái khi nói trước đám đông hoặc trên sân khấu. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết thực hiện việc này trên sân khấu lớn. Bạn có thể thực hành trong hộp đêm, buổi họp mặt gia đình, hoặc thậm chí cuộc họp công ty. Khởi đầu khiêm tốn nếu hiện tại bạn chưa chiến thắng được nỗi sợ hãi. Nhờ bạn bè ngồi nghe và cho ý kiến đánh giá.

Chia sẻ câu chuyện cũng giống như tặng quà cho người nghe, vì người nghe sẽ lưu giữ nó như một món quà. Sau này, người nghe có thể chia sẻ câu chuyện với người khác nữa, giống như cách người xưa lưu truyền câu chuyện cho đời sau.

 

Người nghe là ai?

Bảo đảm bạn biết rõ người nghe là ai. Bạn bè? Người lạ? Đồng nghiệp? Đám đông? Do chủ đề câu chuyện phụ thuộc vào người nghe, mà đối tượng người nghe thì lại vô cùng đa dạng, nên muốn xác định câu chuyện nào phù hợp với đối tượng nào, bạn cần nhận diện mối quan hệ với người nghe. Ví dụ, nếu người nghe là trẻ em, bạn đơn giản chia sẻ câu chuyện về thời thơ ấu; còn như họ là người không quen biết, bạn tìm câu chuyện về chủ đề được nhiều người quan tâm.

 

Tôi nên kể câu chuyện gì?

Phàm là con người, ai cũng có khả năng đồng cảm. Vì vậy, cách kể chuyện hiểu quả nhất là hãy kể câu chuyện về những điều riêng tư, gần gũi, làm lay động lòng người.

Những câu chuyện như thế khơi dậy cảm xúc trong lòng người nghe, khiến họ liên hệ với bản thân, và đi đến đồng cảm với người kể chuyện. Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn xác định nên kể câu chuyện gì.

Đừng quên mối quan hệ hai chiều giữa người nghe với người kể chuyện. Bạn cần nghiên cứu đối tượng người nghe để tìm kiếm câu chuyện phù hợp. Nghiên cứu đối tượng người nghe và tìm kiếm câu chuyện phù hợp đóng vai trò quan trọng như nhau.

Bạn cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của người nghe để từ đó chọn ra câu chuyện kể phù hợp, làm lay động lòng người. Xem xét câu chuyện qua góc nhìn của người nghe để biết họ sẽ rút ra điều gì bổ ích từ câu chuyện này.

 

Hoàn cảnh kể chuyện

Cân nhắc hoàn cảnh kể chuyện. Bạn đứng trên sân khấu kể chuyện trước đám đông xa lạ hay trong đám cưới của em họ? Bạn không muốn làm người nghe khó chịu; vì vậy, bạn cần nắm bắt tâm lý của họ. Hỏi ý kiến nhà tổ chức hoặc chủ tọa nếu không dám chắc câu chuyện bạn kể có phù hợp với người nghe hay không.

Cách đơn giản để bảo đảm câu chuyện phù hợp là tập trung vào yếu tố kết nối bạn với người nghe. Bạn và người nghe có những điểm chung gì? Câu này khá dễ trả lời khi người nghe là đồng nghiệp hoặc người thân, vì bạn và người nghe đã quen biết nhau từ lâu.

Trường hợp kể chuyện trước đám đông xa lạ, thì ngoài nêu bật chủ đề câu chuyện ra, bạn nhớ chọn giọng kể phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ, trong đám tang, bạn kể chuyện bằng giọng điệu buồn bã, nghiêm túc, chân thành; còn trong đám cưới, bạn kể chuyện có phần tươi vui, hóm hỉnh hơn.

Hai cách kết nối với người nghe xa lạ:

* Chiếm cảm tình của người nghe ngay từ giây phút đầu tiên bằng cách chia sẻ chuyện riêng tư hoặc thể hiện mình là người dễ mến, có khiếu hài hước.

* Khơi dậy trí tò mò của người nghe bằng cách đặt câu hỏi mà chỉ có bạn mới trả lời được qua câu chuyện kể.

Đừng giả định người nghe có vốn hiểu biết sâu rộng như bạn. Tránh sử dụng tiếng lóng hoặc biệt ngữ. Đừng trông mong mọi người sẽ hiểu những khái niệm trừu tượng, hoặc thậm chí những cái tên bạn muốn nhắc đến trong câu chuyện.

Bạn không thể kể hết mọi thứ. Đừng quên khi kể chuyện là bạn đang cố tạo ra trải nghiệm trong tâm trí người nghe. Mục tiêu của bạn là tặng quà cho người nghe. Hãy tập trung vào mục tiêu đó. Loại bỏ thẳng tay những gì không đóng góp vào câu chuyện.

 

Cách xây dựng câu chuyện

Muốn xây dựng câu chuyện, bạn cần hai thành phần sau: nhân vật và xung đột.

Đầu tiên là nhân vật. Bạn cần sớm giới thiệu nhân vật, bất kể nhân vật đó là chính bạn, người thân trong gia đình, hay ai khác. Miêu tả nhân vật bằng ngôn từ sinh động.

Sau đó, bạn cho nhân vật xung đột với nhau do tác động của yếu tố ngoại cảnh, hoặc buộc anh ta phải đối mặt với thách thức.

Căng thẳng do thách thức gây ra là yếu tố thúc đẩy câu chuyện đi đến bước ngoặt hoặc điểm cao trào. Bạn muốn căng thẳng dâng cao, khiến người nghe háo hức chờ xem chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Tuy nhiên, sau khi đẩy câu chuyện lên cao trào, bạn còn muốn làm nhiều hơn thế nữa. Bạn muốn câu chuyện để lại dư âm trong lòng người nghe bằng cách lồng thông điệp đầy ý nghĩa vào phần cuối câu chuyện. Hãy xem đây là cái bắt tay tạm biệt sau khoảng thời gian bên nhau.

 

Cách kể chuyện

Bạn đã nghĩ ra câu chuyện trong đầu. Tốt! Bây giờ bạn bắt đầu kể chuyện theo các bước sau:

1. Tìm nơi yên tĩnh và riêng tư. Bật máy ghi âm hoặc mở ứng dụng ghi âm trên điện thoại. Kể chuyện bằng ngôn từ của chính mình. Đừng bận tâm vấn đề kể hay hay dở. Cứ kể được câu chuyện là được rồi.

2. Phát lại và ngồi nghe. Tại thời điểm này, lời kể có vấp váp cũng không có gì đáng lo. Bạn có kể trọn vẹn câu chuyện hay không? Bạn có những thiếu sót nào muốn khắc phục ngay hay không? Ghi âm lần nữa nếu muốn. Hoặc chuyển sang bước tiếp theo.

3. Viết câu chuyện vừa kể ra giấy.

4. Đọc và chỉnh sửa lời kể. Bạn còn những chỗ nào cần thắt chặt? Những câu từ nào cần nhấn mạnh?

5. Lặp lại Bước 1 – 4 cho đến khi bạn cảm thấy mình kể chuyện khá ổn.

 

Bí quyết kể chuyện hay

Muốn kể chuyện hay, bạn cần tìm 1 – 2 người nghe đáng tin cậy, chẳng hạn như bạn bè người thân, hoặc chuyên gia tư vấn. Trước khi kể chuyện, nhớ nói với họ rằng bạn muốn xin ý kiến đóng góp chân thành, bổ ích, chứ không phải lời khen “có cánh”. Coi trọng ý kiến của họ. Thỉnh thoảng, bạn có thể tặng quà trả ơn họ.

Viết lại câu chuyện sau khi đón nhận ý kiến của người nghe. Cứ kiên trì làm theo bí quyết này, bạn sẽ tự tin kể chuyện ngày càng hay hơn.

 

 

* Nguồn: nytimes

* Biên dịch: Comic Media Academy