Webtoon dưới góc nhìn so sánh

Webtoon dưới góc nhìn so sánh

15/03/2019

Truyện tranh là loại hình văn hóa phổ biến trên khắp thế giới. Nhìn chung, trên thế giới có ba nền truyện tranh lớn: truyện tranh Mỹ, truyện tranh Nhật, và truyện tranh Pháp-Bỉ. Truyện tranh (được gọi là manga trong tiếng Nhật) đặc biệt được ưa chuộng tại Nhật Bản, ước tính chiếm đến 40% ngành công nghiệp xuất bản; trong khi đó, tại Mỹ, con số này chỉ là 3% mà thôi. Truyện tranh đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật, nhất là sau năm 1945. Truyện tranh Pháp-Bỉ nổi tiếng là mang tính nghệ thuật cao, xứng đáng được xếp vào “nghệ thuật thứ chín”, đứng sau điện ảnh và truyền hình. Và riêng Hàn Quốc, trước khi webtoon ra đời, có thị trường truyện tranh khá nghèo nàn.

Lớp Truyện tranh Webtoon tại Comic Media Academy đón đầu xu hướng truyện tranh hiện đại. 

Đăng ký tại đây.

Cũng như từ manga trong tiếng Nhật, truyện tranh được gọi là manhwa (漫畫) trong tiếng Hàn. Ngành công nghiệp truyện tranh Hàn Quốc chỉ thật sự “cất cánh” trong những năm gần đây nhờ sự bùng nổ của webtoon. Năm 2014 có khoảng 17 triệu người Hàn Quốc (chiếm 1/3 dân số) đọc webtoon trên Cổng thông tin Naver, website truyện tranh lớn nhất Hàn Quốc. Nếu tính cả số lượng người đọc webtoon trên những website nhỏ, con số này sẽ trên 20 triệu.

Tiếp sau sự thành công của webtoon tại Hàn Quốc trong những năm qua, cơ quan chủ quản của các cổng thông tin lớn bắt đầu nuôi tham vọng quảng bá webtoon ra khắp thế giới. Năm 2013, cơ quan chủ quản của Cổng thông tin Naver tổ chức triển lãm webtoon lần thứ nhất tại hội chợ sách Frankfurt với mục đích đưa truyện tranh Hàn Quốc đến với các nước Châu Âu. Năm 2012, cơ quan chủ quản của Cổng thông tin Daum khai trương website truyện tranh mạng đầu tiên Tapastic tại thị trường Bắc Mỹ. Năm 2014, Naver khai trương website truyện tranh mạng LINE Webtoon tại Mỹ. LINE Webtoon cung cấp những dịch vụ như cập nhật miễn phí nội dung mỗi ngày, download về để đọc offline, thông báo đẩy (push notification), chia sẻ, bình luận,… TapasticLINE Webtoon là nền tảng mở (open platform) tại thị trường Mỹ, cho phép bất cứ ai cũng có thể đăng tải webtoon lên mạng giống như ở Hàn Quốc. LINE Webtoon có nhiều webtoon được dịch sang tiếng Anh, và cả truyện tranh mạng của các nước nói tiếng Anh. Nó cho độc giả Mỹ cơ hội làm quen với bố cục và lối kể chuyện đặc trưng của webtoon.

Tại Mỹ, Scott McCloud, tác giả của cuốn sách viết về truyện tranh kỹ thuật số, ủng hộ sự thay đổi từ loại hình truyện tranh giấy sang truyện tranh kỹ thuật số. Tuy nhiên, ông nhận thấy hầu hết truyện tranh mạng ở Mỹ vẫn theo bố cục giống như comic strip và truyện tranh giấy. Robert S. Petersen cũng nhận thấy như vậy, và ông giải thích nguyên nhân là do việc áp dụng bố cục comic strip sẽ cho phép truyện tranh mạng nằm gọn trong màn hình vi tính. Lý giải tại sao truyện tranh mạng cần nằm gọn trong màn hình máy tính, ông cho rằng cuộn chuột là công việc chán ngắt khi đọc tài liệu dài, và độc giả thường ngại đọc truyện tranh dài bất tận, thấy đầu không thấy đuôi ở đâu. Bố cục dọc gặt hái thành công vang dội tại Hàn Quốc, nhưng lại lận đận tại Mỹ, vì bố cục dù ngang hay dọc, nếu quá dài sẽ đòi hỏi phải cuộn liên tục để đọc. Sự khác biệt này có thể bắt nguồn từ việc Hàn Quốc có tốc độ Internet tương đối nhanh, nhưng điều đó không giúp giải thích được tất cả. Truyện tranh Mỹ trên các website như theoatmeal.com và Tapastic được bố cục theo chiều dọc. Năm 2012, Marvel Comics ra mắt dòng truyện tranh Infinite Comics, được thiết kế để đọc theo chiều ngang trên màn hình. Dẫu vậy, các tác giả và nhà cung cấp truyện tranh ở Mỹ vẫn thường trung thành với bố cục comic strip và truyện tranh giấy.

 

Tương tự, tại Nhật Bản, truyện tranh mạng thường sử dụng hình ảnh trắng đen và vẫn theo bố cục giống như truyện tranh giấy. Thị trường truyện tranh giấy tuy co cụm, song vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Tại Hàn Quốc, webtoon chủ yếu được cung cấp qua Cổng thông tin điện tử; còn ở Nhật Bản, các nhà xuất bản hiện tại vẫn là nhà cung cấp truyện tranh kỹ thuật số. Truyện tranh giấy vẫn giữ vai trò chủ đạo mặc cho sự phát triển không ngừng của truyện tranh mạng.

 

Comico là một trong những website truyện tranh mạng hàng đầu của Nhật Bản. Điều thú vị là website này được xây dựng theo mô hình của Cổng thông tin Naver (Hàn Quốc). Nó mang đậm phong cách Hàn Quốc và áp dụng cơ chế quản lý giống như Naver. Nó là nền tảng mở, cập nhật nội dung mỗi ngày, có tính năng bình luận và giao tiếp chủ động.

webtoon dưới góc nhìn so sánh
Website Comico

Comico cũng áp dụng cơ chế tìm kiếm tác giả mới và truyền bá văn hóa truyện tranh như Naver. Nó có hai hạng mục dành cho tác giả nghiệp dư, “Challenge League” và “Best Challenge League.” Trên Cổng thông tin Naver, những tác phẩm được đọc nhiều nhất và đạt thứ hạng cao trong “Challenge League” sẽ được xét thăng hạng lên “Best Challenge League.” Khi tác phẩm được thăng hạng lên “Best Challenge League,” nó sẽ có nhiều cơ may được đăng tải chính thức trên Cổng thông tin. Trên website Comico, tác phẩm phải đáp ứng những yêu cầu sau mới được xét thăng hạng lên “Best Challenge League”: (1) in màu, (2) dài hơn 15 khung hình, và (3) theo bố cục dọc.

 

webtoon dưới góc nhìn so sánh- cách thăng hạng trên comico
Cách thăg hạng trên trang Comico (http://www.comico.jp/help/detail.nhn?no=75)

Webtoon, chứ không phải mức độ yêu thích và tính nghệ thuật, trở thành tiêu chí để tuyển chọn tác phẩm được đăng trên website Comico. Comico muốn phát triển mảng truyện trang mạng, nên khuyến khích các tác giả sáng tác truyện tranh theo phong cách webtoon.

Năm 2014, Naver đề ra kế hoạch đầy tham vọng, dự kiến trong 10 năm nữa sẽ “phủ sóng” webtoon khắp toàn cầu, tuyên bố “đến năm 2015 sẽ nâng cao ý thức của họa sĩ vẽ webtoon ở hải ngoại, đến năm 2016 – 2017 sẽ gia tăng số lượng độc giả webtoon người nước ngoài, đến năm 2018 – 2018 sẽ phát triển webtoon thành loại hình văn hóa chính thống, và đến năm 2024 sẽ làm cho webtoon tương thích với các phương tiện truyền thông khác.” Chúng ta không biết kế hoạch trên sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao đến mức nào, nhưng hiện tại chúng ta đã thấy webtoon đang du nhập vào Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp webtoon tại Hàn Quốc. Ví dụ, năm 2014, website truyện tranh mạng Tapastic đạt lưu lượng truy cập ngất ngưởng, “qua mặt” DC Comics, nổi tiếng với những truyện tranh ăn khách như Superman Batman.

Webtoon không đơn thuần là thuật ngữ được người Hàn Quốc sử dụng để chỉ truyện tranh được sáng tác và đăng tải trên mạng, nó còn là một phong cách, một cơ chế. Truyện tranh theo phong cách webtoon là truyện tranh được tối ưu hóa về mặt bố cục, khung hình, khoảng trắng giữa các khung, màu sắc, không gian, thời gian,… để cho phép đọc/xem trên mạng và điện thoại di động. Webtoon là cơ chế sáng tác/phân phối/phát hành trên nền tảng mạng/di động, nền tảng mở cho tác giả nghiệp dư phân phối miễn phí, quảng cáo gia tăng lưu lượng truy cập, giao tiếp chủ động giữa độc giả và nhà sản xuất, sáng tác đa phương tiện. Webtoon là đặc sản trong văn hóa truyện tranh Hàn Quốc, nhưng nó cũng đã lan sang văn hóa truyện tranh nước khác.

Chúng ta không biết trong tương lai webtoon có được yêu thích nhất trong kỷ nguyên truyện tranh kỹ thuật số hay không, nhưng hiện tại nó là truyện tranh bán chạy nhất tại Hàn Quốc, hơn cả truyện tranh giấy và phiên bản kỹ thuật số của chúng. Webtoon là loại hình truyện tranh mang tính đổi mới toàn diện, góp phần làm thay đổi triệt để quy trình sản xuất và phát hành truyện tranh. Kết quả là giờ đây webtoon đã trở thành loại hình văn hóa chính thống ở Hàn Quốc.

CMAVN dịch và biên tập.